Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Điều 134 Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: “Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.
Về nội dung này, Điều 145 dự thảo Bộ luật đề xuất:
“1. Trường hợp luật quy định hình thức là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự mà hình thức đó không được tuân thủ thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu, trừ các trường hợp sau đây:
a) Việc không tuân thủ quy định về hình thức không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người khác và chủ thể giao dịch dân sự đã chuyển giao tài sản hoặc đã thực hiện công việc. Trong trường hợp này, theo yêu cầu của một hoặc các bên, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm hoàn tất thủ tục đối với giao dịch dân sự đó.
b) Trường hợp chủ thể chưa chuyển giao tài sản hoặc chưa thực hiện công việc thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án cho phép thực hiện quy định về hình thức của giao dịch dân sự trong một thời hạn hợp lý; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch dân sự đó bị vô hiệu.”
Về vấn đề này, hiện có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định như dự thảo vì quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn ký kết, thực hiện hợp đồng ở nước ta; bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể xác lập quan hệ hợp đồng cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba; góp phần bảo đảm sự ổn định của quan hệ thị trường.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị tiếp tục duy trì quy định như Bộ luật dân sự hiện hành để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, theo đó, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức bắt buộc của giao dịch thì chủ thể của giao dịch phải tuân thủ hình thức đó, nếu không tuân thủ thì giao dịch bị tuyên bố vô hiệu; pháp luật hiện hành chỉ quy định giao dịch được xác lập dưới hình thức bắt buộc trong một số trường hợp liên quan đến bất động sản và động sản có giá trị lớp (ôtô, xe máy, tàu bay...) và việc quy định các bên bắt buộc phải tuân thủ hình thức này là nhằm góp phần quản lý nhà nước đối với một số loại tài sản đặc thù.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và góp ý về vấn đề này tại đây.