Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Từ tháng 2/2018, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tam Long đã gửi hồ sơ lên Cục Bảo vệ thực vật đề nghị được đưa 13 sản phẩm phân bón vào Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. Qua quá trình xét duyệt, hồ sơ của Công ty chưa được chấp nhận với lý do Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang ký xác nhận công bố phân bón phù hợp quy chuẩn kỹ thuật vào ngày 21/9/2017, sau ngày Nghị định số 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón có hiệu lực một ngày (Nghị định có hiệu lực từ ngày ký ban hành 20/9/2017).
Để duy trì các giấy chứng nhận hợp quy đã cấp, ngày 25/1/2018, Công ty tiếp tục ký hợp đồng giám sát để giám sát định kỳ 1 năm/lần cho 13 sản phẩm phân bón nêu trên. Ngày 16/5/2018, Công ty CP Chứng nhận và Giám định IQC ra Công văn số 1587.01/IQC-CD-KQGS duy trì hiệu lực 13 sản phẩm phân bón của Công ty thêm một năm nữa.
Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tam Long nhận thấy tập thể cán bộ công nhân viên Công ty luôn chấp hành tốt các quy định về pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Nay chỉ bị một lỗi liên quan đến ngày ký xác nhận công bố hợp quy của Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang sau ngày ký ban hành Nghị định số 108/2017/NĐ-CP một ngày (Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành). Trong khi đó tất cả quy trình chứng nhận công bố hợp quy Công ty đã thực hiện trước đó từ ngày 13/2/2017.
Vướng mắc trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của cán bộ công nhân viên, gây thất thoát hơn 9 tỷ đồng tiền công nợ, hàng hóa đang lưu thông ngoài thị trường.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tam Long đề nghị cơ quan chức năng xem xét chấp thuận cho 13 sản phẩm phân bón của Công ty vào Danh mục phân bón được phép lưu hành tại Việt Nam.
Về vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:
Phân bón sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam trước ngày 1/2/2014 được quản lý theo Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 7/10/2003, Nghị định số 191/2007/NĐ-CP ngày 31/12/2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Theo đó, phân bón được sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam phải có tên trong Danh mục phân bón sản xuất, kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.
Phân bón sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam từ ngày 1/2/2014 đến trước ngày 20/9/2017 được quản lý theo quy định tại Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013, Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Theo đó, phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam trước ngày 1/2/2014, trong vòng một năm kể từ ngày này, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phân bón phải công bố hợp, quy chất lượng đối với loại phân bón đang thực hiện sản xuất, kinh doanh (Khoản 2, Điều 22 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP).
Phân bón chưa có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam trước ngày 1/2/2014 phải được khảo nghiệm trước khi công bố hợp quy (Khoản 2, Điều 20 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP).
Phân bón sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam từ ngày 20/9/2017 được quản lý theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017. Các tổ chức, cá nhân có phân bón lưu hành trên thị trường (tức là thực hiện công bố họp quy) hoặc đã đứng tên đăng ký phân bón trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy hoặc đã thực hiện khảo nghiệm phân bón theo đúng các quy định trước ngày 20/9/2017 được chuyển tiếp theo quy định tại Khoản 1, 10, 11 Điều 47 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP, cụ thể:
- Phân bón có tên trong thông báo tiếp nhận hợp quy của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Sở Công Thương trước ngày 20/9/2017 được tiếp tục sản xuất, buôn bán và sử dụng trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày Nghị định số 108/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Trong thời hạn nêu trên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, ban hành Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam mà không phải thực hiện thủ tục công nhận theo quy định tại Nghị định số 108/2017/NĐ-CP (Khoản 1, Điều 47).
- Phân bón đang thực hiện khảo nghiệm trước ngày Nghị định số 108/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành và có chỉ tiêu chất lượng đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này trong thời gian chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày 20/9/2017 được sử dụng kết quả khảo nghiệm để xem xét, công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (Khoản 10, Điều 47).
- Phân bón có tên trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành từ ngày 9/8/2008 đến ngày 27/11/2013, phân bón hoàn thành khảo nghiệm (trừ phân bón hoàn thành khảo nghiệm quy định tại Khoản 2, Điều 47) được xem xét, công nhận phân bón lưu hành tạỉ Việt Nam quy định tại Điều 9 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 20/9/2017 (Khoản 11, Điều 47).
Đối chiếu với các quy định nêu trên, 13 sản phẩm phân bón trong hồ sơ đề nghị công nhận lưu hành của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tam Long mà Cục Bảo vệ thực vật nhận được không thuộc trường hợp công nhận phân bón lưu hành theo quy định chuyển tiếp tại Khoản 1, Điều 47 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP.
Trong trường hợp Công ty đưa phân bón vào sản xuất, kinh doanh trước ngày 1/2/2014 (tức là phân bón của Công ty có tên trong Danh mục) và đã thực hiện công bố hơp quy trước ngày 1/2/2015 theo đúng quy định tại Khoản 2, Điều 22 Nghị định số 202/2013/NĐ-CP thì sẽ được xem xét, công nhận lưu hành chuyển tiếp theo Khoản 1, Điều 47 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP.
Trường hợp phân bón của Công ty có tên trong Danh mục hoặc không có tên trong Danh mục nhưng đã hoàn thành khảo nghiệm mà chưa thực hiện công bố hợp quy (chưa có tên trong Thông báo tiếp nhận hợp quy của Sở Công Thương hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 20/9/2017) vẫn được xem xét, công nhận lưu hành theo quy định chuyển tiếp tại Khoản 11, Điều 47 Nghị định số 108/2017/NĐ-CP. Đối với các trường hợp này, đề nghị Công ty bổ sung hồ sơ, tài liệu liên quan và gửi về Cục Bảo vệ thực vật để làm căn cứ thực hiện.