Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 21/6, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi).
Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo để xây dựng một dự án luật do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng ban, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với sự phát triển của khoa học, công nghệ mà còn là một cách tiếp cận mới nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.
Tại phiên họp, các thành viên của Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về: Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; những quan điểm, định hướng lớn để xây dựng dự án luật; tên gọi của dự án luật; thời hạn trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết kể từ khi Luật Khoa học và Công nghệ được ban hành năm 2013, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014, bối cảnh trong nước và quốc tế đã nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Trong bối cảnh đó, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cần được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cập nhật những vấn đề mới của khoa học và công nghệ trong nước và thế giới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật.
Theo dự thảo luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất 8 nhóm chính sách về: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo; đổi mới hoạt động của tổ chức khoa học, công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; phương thức triển khai chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ; sử dụng ngân sách, thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng; phát triển thị trường khoa học, công nghệ; phổ biến tri thức.
Về tên luật, Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra hai phương án: Phương án 1: Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi); phương án 2: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Bộ đề xuất phương án 2 để phù hợp với việc mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết một trong những mục tiêu của dự án luật là nhằm thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ trong toàn xã hội chứ không chỉ tập trung vào hoạt động khoa học, công nghệ trong khu vực công lập như hiện nay.
Luật mới cũng sẽ làm rõ khái niệm, nội hàm của hoạt động đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; bổ sung quy định về triển khai nhiệm vụ khoa học, công nghệ trong tình huống đột xuất, khẩn cấp, thảm hoạ thiên nhiên, môi trường…
Nêu ý kiến tại phiên họp, các thành viên của Ban Chỉ đạo đều nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá hiện trạng pháp lý về khoa học, công nghệ để sửa đổi, bổ sung một cách tổng thể, toàn diện.
Ban Chỉ đạo thống nhất tên gọi của dự án luật là Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo với ba nội hàm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được gắn trong một thể thống nhất.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh quan điểm Luật mới phải giải quyết được tất cả những vướng mắc để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Từ cách tiếp cận đó, tất cả những điều khoản không hợp lý cho việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các luật hiện hành đều có thể được đề cập và sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo nghiêm túc nghiên cứu hồ sơ dự án luật; nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự thảo luật bảo đảm chất lượng, phấn đấu trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 9 và xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 10 năm 2025./.
Hải Minh