• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Góp ý một số vấn đề về án tử hình

(Chinhphu.vn) – Luật gia Nguyễn Quang Lộc góp ý một số vấn đề liên quan đến hình phạt tử hình trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

19/08/2015 15:51

Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, người bị kết án tử hình nếu được ân giảm sẽ phải chấp hành hình phạt tù chung thân và nếu họ tiến bộ có thể được xem xét giảm hình phạt xuống hình phạt tù. Như vậy, những người này sẽ có hy vọng, cơ hội để trở về với cộng đồng.

Về trường hợp án tử hình được ân giảm

Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi (khoản 3 Điều 63) quy định, nếu họ được ân giảm hình phạt tử hình thì sẽ phải chấp hành hình phạt tù chung thân nhưng không được giảm án.

Quy định như vậy là làm nặng hơn tình trạng của người bị kết án tử hình vì nếu họ được ân giảm án tử hình thì không được giảm án cho dù họ có cố gắng cải tạo tốt đến đâu hoặc họ lập công lớn khi chấp hành hình phạt tù chung thân.

Điều này sẽ làm mất đi ý nghĩa của hình phạt và triệt tiêu ý chí phấn đấu cải tạo của người bị chấp hành hình phạt.

Quy định này cũng đẩy người bị kết án vào ngõ cụt (một người tuy còn quyền sống nhưng sống trong tình trạng không có hy vọng, không có lối thoát).

Bộ luật Hình sự  hiện hành cũng như Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) không có hình phạt tù chung thân không giảm án nên nếu áp dụng như Khoản 3 Điều 63 Dự thảo là trái luật.

Do vậy, cần phải quy định cho phép giảm án đối với người bị kết án tử hình đã được ân giảm nhưng thời gian để được xét giảm án lần đầu là 20 năm tù và phải bảo đảm thời hạn thực tế đã chấp hành hình phạt tù là 25 năm.

Nếu quy định như vậy sẽ mở ra cơ hội và bảo đảm ý nghĩa của hình phạt, ý nghĩa của việc cải tạo, giáo dục và cao hơn đó là bảo đảm nguyên tắc nhân đạo, chính sách khoan hồng của pháp luật hình sự Việt Nam.

Bỏ tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán thuốc giả

Có quan điểm cho rằng nên bỏ toàn bộ hình phạt tử hình và thay vào đó là hình phạt tù chung thân không giảm án. Trong tình hình hiện nay việc loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình là không thể được.

Việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội như Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là phù hợp.

Tuy nhiên, đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh vẫn quy định hình phạt tử hình là không phù hợp. Người sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh có động cơ, mục đích là lợi nhuận kinh tế. Hành vi phạm tội này vô ý với hậu quả mà chỉ cố ý về hành vi. Trên thế giới, không quốc gia nào xử phạt tử hình đối với người vô ý về hậu quả. Do vậy, người viết đề nghị bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm này.

Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình hoặc thi hành hình phạt tử hình, Dự thảo quy định thêm trường hợp đối với người 75 tuổi. Trong thực tế thì rất ít trường hợp người cao tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đến mức phải áp dụng hình phạt tử hình. Dự thảo quy định 75 tuổi là cao. Theo ý kiến người viết, chỉ nên quy định là 70 tuổi cả đối với việc áp dụng và thi hành hình phạt tử hình.

Về quy định không thi hành án tử hình đối với tội tham nhũng, người viết không đồng tình với quy định này. Đúng là chúng ta cần phải thu hồi tài sản đã bị thất thoát nhưng không phải vì thế mà không xử lý nghiêm. Quy định như Dự thảo rất dễ dẫn đến việc người dân hiểu là bản án kết án tử hình cũng có thể bị mua?

Không nên chuyển phạt tiền, cải tạo không giam giữ thành phạt tù

Lý do là quy định này sẽ buộc Tòa án phải tuyên trong bản án hai loại hình phạt là phạt tiền và phạt tù. Khi quyết định hình phạt, nếu Tòa án xét thấy không cần phải áp dụng hình phạt tù thì áp dụng các hình phạt khác nhẹ hơn như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.

Điều này có ý nghĩa là hình phạt nhẹ hơn đã tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo mà không thể áp dụng, không được áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Hình phạt tiền là hình phạt nhẹ hơn cả hình phạt cải tạo không giam giữ. Đây là loại hình phạt trên thực tế các Tòa án rất ít áp dụng và đó không phải là lý do vì không thu được tiền phạt mà cần có quy định này.

Khi Tòa án tuyên hai loại hình phạt trong bản án thì việc thi hành án rất phức tạp. Bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải chuyển cho cơ quan thi hành án. Trường hợp không thi hành được trong thời hạn 6 tháng thì cơ quan thi hành án dân sự phải trả lại bản án cho Tòa án kèm với thông báo về việc không thi hành được bản án. Tòa án phải ra quyết định thi hành án phạt tù.

Trong Dự thảo có nhiều điều luật mà ở khoản 1 (cấu thành cơ bản) không quy định hình phạt tù mà chỉ quy định hình phạt tiền và cải tạo không giam giữ. Nếu chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù là làm nặng hơn tình trạng của bị cáo và thực chất là thi hành trái quy định của điều luật.

Ngoài ra, việc quy đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù sẽ theo tiêu chí chuyển đổi nào? Dù có tiêu chí thì có thể dẫn tới không công bằng trong việc chuyển đổi giữa các tội phạm cụ thể.

Việc chuyển từ hình phạt tiền sang hình phạt tù chỉ áp dụng khi hình phạt tiền là hình phạt chính mà không áp dụng đối với hình phạt bổ sung. Quy định này sẽ dẫn tới một người bị phạt 10 triệu đồng là hình phạt chính, nếu không chấp hành thì có thể bị đi tù, còn một người bị phạt 100 triệu đồng là hình phạt bổ sung nếu không chấp hành cũng không bị chuyển đổi thành hình phạt tù.

Các hình phạt trên quy định trong các tội phạm cụ thể của Dự thảo nhìn chung là rất cao (mức phạt tiền gấp 2 đến 3 lần số tiền bị chiếm đoạt). Để không phải đi tù, có thể người bị kết án hoặc gia đình họ phải vay nợ, bán tài sản, bán nhà đất, ruộng vườn để nộp phạt. Khi đã phải bán tất cả hoặc vay nợ lãi để thoát tù thì họ sẽ rơi vào tình trạng bần cùng hóa.

Đây là một vấn đề cũng cần phải cân nhắc thận trọng kể cả trong quy định cũng như trong áp dụng.

Đối với Khoản 5 Điều 36 chuyển từ hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù cũng không phù hợp, làm nặng tình trạng của bị cáo.

Trộm tài sản dưới 2 triệu đồng, tái phạm hành chính đã thành hình sự là quá nghiêm khắc

Về tình tiết xử phạt hành chính hành vi chiếm đoạt là không phù hợp vì dẫn đến xử lý hình sự tràn lan.

Ví dụ một người trộm cắp 500.000 đồng, bị xử phạt hành chính, sau đó lại trộm cắp chỉ 100.000 đồng đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó thì Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định các biện pháp xử lý hành chính và giao cho Tòa án áp dụng. Những trường hợp tái phạm hành chính nhiều lần mới áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Nếu Bộ luật Hình sự quy định tái phạm hành chính đã thành hình sự thì quá nghiêm khắc. Do vậy, đề nghị trong khi chưa loại bỏ được tình trạng xử lý hai lần như hiện nay thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nếu họ đã bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Đồng thời, không cần thiết phải bổ sung như Dự thảo “Tài sản bị trộm cắp là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ hoặc có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại và gia đình họ”, vì sẽ phải giải thích thế nào là phương tiện kiếm sống chính? Chẳng hạn, một người bơm thuê bị trộm cắp cái bơm. Cái bơm xe đó là nguồn sống chính của họ thì người trộm cắp có phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Ngoài ra, người viết không đồng tình với việc bãi bỏ tội hoạt động phỉ. Đây là một tội thuộc Chương An ninh quốc gia, không thể lập luận rằng không xảy ra và nếu xảy ra thì phải xét xử về tội bạo loạn, giết người… Các tội danh này có các dấu hiệu đặc trưng khác nhau, không thể áp dụng tương tự. Mặt khác, trong tình hình hiện nay, hoạt động phỉ vẫn xảy ra, âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam vẫn là một nguy cơ chứ không phải là đã hết.

Đối với việc bổ sung một số tội danh mới, về cơ bản người viết đồng tình. Tuy nhiên riêng về tội trục lợi trong kinh doanh bảo hiểm cần cân nhắc kỹ vì kinh doanh bảo hiểm là giao kết, giao dịch dân sự. Không thể lấy yếu kém trong kinh doanh, thua lỗ trong kinh doanh của lĩnh vực này thành hình sự.

Luật gia Nguyễn Quang Lộc

(Công ty Luật số 5 - Quốc gia)