Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam cũng như của pháp luật hình sự các nước trên thế giới.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập với cộng đồng quốc tế, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011–2020 nêu rõ chủ trương “giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm”. Trong đó, chủ trương giảm quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình đã được tiếp tục nhấn mạnh tại Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
3 lý do nên giảm quy định hình phạt tử hình
Người viết ủng hộ quan điểm giảm quy định hình phạt tử hình trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) xuất phát từ 3 lý do sau:
Về mặt chính trị - xã hội, xu hướng giảm và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình đang là xu thế chung của thời đại. Theo tính toán của Tổ chức Ân xá quốc tế (tính đến tháng 6/2014) trong số 225 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chỉ còn có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ còn duy trì hình phạt tử hình (kể cả đối với các tội phạm hình sự thường) trong pháp luật hình sự của quốc gia mình.
Tuy nhiên, theo ước tính của Tổ chức Ân xá thế giới, chỉ có khoảng hơn 22 quốc gia vẫn tuyên hình phạt tử hình trên thực tế.
Về căn cứ pháp lý, các luận điểm của cộng đồng quốc tế được ghi nhận trong các văn bản quốc tế sau đây (hầu hết đã được Việt Nam phê chuẩn hoặc tham gia với tư cách là thành viên) cho chúng ta đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng, quan điểm được thừa nhận chung của đa số nhân loại về hình phạt tử hình là “xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình, đồng thời đình chỉ việc thi hành hình phạt tử hình đã được tuyên; tới hạn chế số lượng những tội phạm có thể tuyên hình phạt tử hình...” là hoàn toàn đúng đắn và có căn cứ pháp lý.
Các văn kiện pháp luật quốc tế đó, bao gồm: Tuyên ngôn toàn thế giới ngày 18/12/1946 của Liên Hợp Quốc “Về các quyền con người”; Công ước quốc tế ngày 16/12/1966 “Về các quyền dân sự và chính trị”; Nghị quyết “Về các biện pháp bảo vệ các quyền của những người bị kết án tử hình” năm 1984; Nghị quyết số 1984/50 ngày 25/5/1984 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc “Về các bảo đảm nhằm bảo vệ quyền của những người phải đối mặt với hình phạt tử hình”; Nghị định thư thứ 2 năm 1989 của Công ước đã nêu “Về việc xoá bỏ hình phạt tử hình”; Nghị quyết số 1996/15 ngày 23/7/1996 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc “Về các bảo đảm nhằm bảo vệ quyền của những người phải đối mặt với hình phạt tử hình”; Nghị quyết số 2005/59 ngày 20/4/2005 của Ủy ban nhân quyền của Liên Hợp Quốc “Về vấn đề hình phạt tử hình”.
Bên cạnh đó, Hiến pháp 2013 của Việt Nam đã bổ sung và hiến định quyền sống: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.
Cần khẳng định rằng, quyền sống tuy là tối cao và luôn phải được áp dụng kể cả trong trường hợp khẩn cấp của quốc gia nhưng không phải là quyền tuyệt đối (tức là quyền không thể bị tước đoạt trong mọi hoàn cảnh).
Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị vẫn quy định hình phạt tử hình. Bởi về bản chất, hình phạt tử hình là sự tước đi quyền sống của một cá nhân, nhưng chỉ khi được áp dụng một cách tùy tiện thì mới bị coi là vi phạm luật nhân quyền quốc tế. Luật nhân quyền quốc tế không cấm nhưng khuyến khích hạn chế và bãi bỏ hình phạt tử hình, buộc các quốc gia giới hạn áp dụng hình phạt này chỉ với “các tội phạm nghiêm trọng nhất”.
Từ những quy định ở trên, có thể thấy rằng, theo quan điểm của Liên Hợp Quốc, và khi Hiến pháp 2013 đã hiến định quyền sống thì phạm vi tội danh có thể áp dụng hình phạt tử hình cần phải được thu hẹp, tiến tới loại bỏ trong Bộ luật Hình sự khi hội đủ các điều kiện cần thiết trong tương lai.
Về mục đích của hình phạt tử hình, theo Điều 27 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì hình phạt có mục đích không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật, ngăn ngừa họ phạm tội mới (mục đích phòng ngừa riêng). Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm (mục đích phòng ngừa chung).
Do tính chất đặc biệt của hình phạt tử hình là tước đi quyền sống của người bị kết án, nên đã hoàn toàn triệt tiêu khả năng giáo dục họ. Tuy nhiên, mục đích phòng ngừa riêng vẫn còn một khả năng đó là tước bỏ hoàn toàn khả năng tái phạm của người phạm tội.
Bên cạnh đó, mục đích phòng ngừa chung của hình phạt tử hình được các nhà làm luật và giới phê bình luật học bình luận và thừa nhận là “tác động mạnh lên tâm lý của các thành viên khác trong xã hội, bản án tử hình là một bài học sống động buộc người khác phải tránh xa mọi ý định phạm tội khiến người phạm tội có thể bị tuyên án tử hình”.
Theo quan điểm của người viết, mục đích phòng ngừa riêng và phòng ngừa chung có mối tương quan và hỗ trợ qua lại, không nên coi trọng mục đích nào hơn mục đích nào. Riêng đối với hình phạt tử hình, mục đích chính vẫn phải là phòng ngừa riêng, chỉ nên áp dụng hình phạt này khi đó là biện pháp cuối cùng và duy nhất để ngăn ngừa khả năng tái phạm của người bị kết án.
Trên cơ sở các phân tích trên, người viết đề xuất sửa đổi Điều 35 theo hướng sau:
“Điều..... Tử hình
1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ có thể được quy định đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, các tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng của con người, các tội đặc biệt nghiêm trọng về ma túy, các tội đặc biệt nghiêm trọng về tham nhũng, cũng như các tội xâm phạm hòa bình và an ninh của nhân loại.
2. Về nguyên tắc, không được áp dụng hình phạt tử hình đối với người bị kết án là phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người chưa thành niên hoặc nam giới trên 70 tuổi.
3. Chỉ trong trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng con người với thủ đoạn đặc biệt dã man và độc ác, tàn bạo và bị dư luận xã hội lên án gay gắt, thì các đối tượng nêu tại khoản 2 Điều này mới có thể bị áp dụng hình phạt tử hình”.
Về 7 tội danh dự kiến bỏ hình phạt tử hình là hợp lý
Bộ luật Hình sự hiện hành quy định hình phạt tử hình với 22 tội danh, dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) dự kiến bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh.
Theo ý kiến của người viết, đối với "Tội cướp", người viết hoàn toàn đồng ý bỏ hình phạt tử hình đối với tội này do mục đích của người phạm tội khi thực hiện hành vi cướp là nhắm tới mục đích là chiếm đoạt tài sản, việc dẫn đến hậu quả chết người hoặc cố ý gây thương tích trên thực tế có thể xảy ra nhưng đó không phải là lỗi cố ý của người phạm tội.
Nếu chứng minh được người phạm tội còn có ý định tước đoạt sinh mệnh của nạn nhân thì xử lý về tội giết người và khung hình phạt cao nhất của tội giết người là tử hình.
Vì vậy, việc quy định hình phạt tử hình đối với tội cướp là không hợp lý và không cần thiết.
Đối với "Tội phá hủy công trình, phương tiện an ninh quốc gia", người viết đồng tình việc bỏ hình phạt tử hình do khách thể của tội này là tài sản (dù là dưới dạng tài sản quan trọng về an ninh quốc gia), nhưng không cần thiết phải sử dụng hình phạt cao nhất là tử hình. Bên cạnh đó, nếu mức độ phạm tội có tính đặc biệt nguy hiểm thì hoàn toàn có thể xử lý về tội khủng bố hoặc tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (là 2 tội có mức hình phạt cao nhất là tử hình).
Đối với “Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch; Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh”, người viết cũng đồng tình bỏ hình phạt tử hình.
TS. Đinh Thị Mai
(Học viện Khoa học xã hội)