Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh:VGP/Phương Dy |
Thẩm phán Quách Hữu Thái, Phó Chánh Tòa Dân sự (TAND TPHCM) lấy dẫn chứng khi giải quyết các vụ việc dân sự tại TAND TPHCM cho biết hiện nay rất khó áp dụng Điều 7, Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ khi có yêu cầu. Đó là vì quy định này chưa có chế tài kèm theo và cơ chế để thực hiện chế tài. Do đó, các cá nhân, cơ quan, tổ chức đang lưu giữ chứng cứ rất ít khi cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của tòa án và tòa án cũng không có biện pháp gì để buộc họ cung cấp.
Dẫn Điều 181 của BLTTDS quy định trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại đến tài sản Nhà nước thì không được hòa giải, nghĩa là tòa án phải mở phiên tòa xét xử mà không tiến hành thủ tục hòa giải, kể cả việc các bên tự thỏa thuận với nhau, ông Thái cho rằng, cần phải sửa đổi và quy định rõ trong điều luật này trường hợp nếu các bên thỏa thuận được việc bồi thường toàn bộ thiệt hại trong một thời gian nhất định để tòa án được lập biên bản ghi nhận việc hòa giải thành giữa các bên và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận. Thực tiễn xét xử đã gặp nhiều khó khăn do điều luật chưa rõ ràng đối với trường hợp nêu trên.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi cũng thấy rằng một số quy định trong luật về thẩm quyền của tòa án có sự mâu thuẫn nhau, từ đó dẫn đến hậu quả là có nhiều cách hiểu khác nhau và không thống nhất trong áp dụng pháp luật. Điều này cũng ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự, nhiều trường hợp không giải quyết được vụ án hoặc không giải quyết triệt để vụ án”, TS Tiến dẫn chứng.
Tại hội thảo, TS. Lê Thị Nam Giang, Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế (ĐH Luật TPHCM) chỉ ra một loạt những vướng mắc khi giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài.
TS. Giang lấy thí dụ trường hợp hai công dân Việt Nam (A và B) cùng tham gia một đoàn du lịch ở nước ngoài. A và B mượn một số tiền khá lớn để B chi tiêu trong thời gian du lịch. Trong trường hợp này, hợp đồng giao kết được thực hiện hoàn toàn ở nước ngoài. Giả sử khi trở về Việt Nam, tranh chấp phát sinh do B không thực hiện nghĩa vụ trả tiền cho A. Vấn đề đặt ra là tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết không? Bởi vì việc giao kết được thực hiện tại nước ngoài trong khi các điều luật chưa quy định thẩm quyền cụ thể của tòa án trong trường hợp này.
Đối với các vụ án dân sự ly hôn có yếu tố nước ngoài, TS. Giang cũng cho rằng các quy định hiện hành còn chưa hợp lý. Cụ thể, theo quy định tại Điều 410 của BLTTDS thì tòa án Việt Nam có thẩm quyền giai quyết vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam. Tuy nhiên, nếu cả hai người đều là người nước ngoài thì tòa án Việt Nam lại gặp phải vướng mắc về thẩm quyền.
Theo luật sư Thái Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, hiện nay người dân đặc biệt quan tâm đến vấn đề hủy án. Theo quy định về cung cấp chứng cứ thì các đương sự cung cấp đến đâu, tòa giải quyết đến đó. Tuy nhiên, khi xét xử đến phúc thẩm thì quan điểm là yêu cầu phải truy sự thật đến cùng, nên chỉ cần một điểm nào đó không rõ là đã có cơ sở hủy án. Nhiều trường hợp đương sự giữ lại chứng cứ mà không cung cấp cho tòa án sơ cấp nên khi xét xử phúc thẩm, tòa lại nêu thêm căn cứ (được một trong các bên đương sự cung cấp) nên dẫn đến việc tuyên hủy án sơ thẩm.
Về vấn đề hủy án, luật gia Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM đề nghị cần phải sửa đổi mô hình thẩm vấn hiện nay do đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cụ thể, các Điều 25 và Điều 243 trong BLTTHS chưa thể hiện rõ ràng nguyên tắc tranh tụng.
Cũng theo luật sư Hậu, về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm theo quy định hiện hành cũng cần phải được sửa toàn diện để hạn chế tâm lý “còn cửa, còn kiện” khi mà TAND các cấp đã có kết quả hết sức rõ ràng và các bên liên quan cũng không cung cấp thêm được chứng cứ nào thêm. Việc này để tránh gây lãng phí đối với các bên khi nảy sinh các vụ việc hoặc tranh chấp dân sự.
GS.TS. Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM cho biết: Bộ luật Tố tụng Dân sự được ban hành và có hiệu lực pháp luật từ ngày 1/1/2005. Qua hơn 5 năm áp dụng vào thực tiễn, bộ luật đã bộc lộ những mặt hạn chế nên đã được sửa đổi, bổ sung lần thứ nhất vào năm 2011. Tuy nhiên, cho đến nay nhiều quy định của bộ luật đã bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng nhất định đến hoạt động giải quyết của tòa án các cấp. Nhìn một cách tổng thể, những sửa đổi, bổ sung lần đầu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, cần thiết phải ban hành một Bộ luật Tố tụng Dân sự mới hoàn chỉnh. |
Phương Dy