• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Góp ý về trách nhiệm hình sự của người bào chữa

(Chinhphu.vn) – Trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này, đã có nhiều ý kiến về việc có nên hay không nên bổ sung quy định "người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện".

30/07/2015 15:05

Một trong những nguyên tắc cơ bản mang tính chất “sống còn” của nghề luật sư là cấm tiết lộ thông tin, giữ bí mật thông tin của khách hàng. Pháp luật về luật sư ở hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có quy định về vấn đề này.

Giữ bí mật hay tố giác?

Ở nước ta, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin khách hàng đã được đề cập tại Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987 và sau đó được quy định rõ hơn, chi tiết hơn tại Pháp lệnh Luật sư năm 2001 và Quy tắc mẫu đạo đức nghề nghiệp luật sư do Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 356b/2002/QĐ-BTP ngày 5/8/2002.

Hiện nay, việc giữ bí mật thông tin khách hàng tiếp tục là một trong những yêu cầu cơ bản, đặc biệt quan trọng đối với luật sư khi thực hiện chức năng nghề nghiệp.

Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Luật Luật sư số 65/2006/QH11, có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 3 Điều 1 Luật số 20/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, thì luật sư bị nghiêm cấm thực hiện hành vi tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết được trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.

Quy tắc số 12 của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ  ngày 20/7/2011 quy định, luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trong khi đó, Điều 22 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định "người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm".

Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng.

Như vậy, chế định không tố giác tội phạm tại Bộ luật Hình sự hiện hành không có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự đối với luật sư, người bào chữa trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính khách hàng của luật sư đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện.

Pháp luật về hình sự quy định nghĩa vụ tố giác tội phạm của công dân, không loại trừ luật sư, trong khi pháp luật về luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp lại đòi hỏi luật sư không được tiết lộ thông tin khách hàng, trong đó có cả những thông tin về tội phạm.

Muốn tiết lộ thông tin của khách hàng, luật sư phải được sự đồng ý của khách hàng, mà theo người viết bài này, sự đồng ý đó không có nhiều, nếu không muốn nói quy định việc luật sư được phép tiết lộ thông tin, tố giác tội phạm do khách hàng nhờ mình bào chữa thực hiện nếu được người đó đồng ý là chỉ mang tính hình thức.

Thực tế cho thấy, trong một số vụ án hình sự, luật sư phải đối diện với hai vấn đề nan giải. Một là với tư cách là một công dân trước thông tin về tội phạm hoặc trước việc không tố giác tội phạm mà mình biết được trong quá trình thực hiện dịch vụ pháp lý, và hai là, ngay cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, thì luật sư có nghĩa vụ tố giác tội phạm hay không? Nếu không tố giác tội phạm thì có vi phạm pháp luật không?

Trong khi hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định, hướng dẫn giải quyết tình trạng mâu thuẫn này.

Trong từng trường hợp, từng tình huống cụ thể, luật sư phải tự mình đưa ra những quyết định đúng đắn, hợp lý nhất để giải quyết hài hòa quyền lợi của khách hàng, nhưng họ cũng không tránh khỏi băn khoăn về rủi ro pháp lý liên quan đến chế định không tố giác tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.

Bài viết này không đề cập đến kỹ năng của luật sư trong việc giải quyết vụ, việc khi mà yêu cầu giữ bí mật thông tin khách hàng, quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư có mâu thuẫn với chế định không tố giác tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành, mà chỉ nêu một vài ý kiến cá nhân về chế định không tố giác tội phạm tại Điều 19 của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Loại trừ trách nhiệm hình sự đối với luật sư là cần thiết

Trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này, đã có nhiều ý kiến về việc có nên, hay không nên bổ sung quy định người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện.

Có ý kiến cho rằng, cần cân nhắc thận trọng vì nghĩa vụ của luật sư trước hết phải bảo vệ pháp chế. Luật sư cũng có trách nhiệm tố giác tội phạm mà mình biết được như các công dân khác, do đó không nên loại trừ trách nhiệm hình sự đối với luật sư trong trường hợp này.

Một số ý kiến khác, trong đó có người viết bài này lại cho rằng, việc bổ sung quy định là cần thiết. Người bào chữa phải bảo đảm nguyên tắc bí mật thông tin khách hàng mà Luật Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư đã quy định. Hơn nữa với chức năng người bào chữa, luật sư không thể tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện, mà có thể từ việc tố giác đó dẫn đến hậu quả là tăng nặng trách nhiệm hình sự của khách hàng.

Có trường hợp bị can, bị cáo khai báo với người bào chữa về toàn bộ hành vi đã phạm tội của mình để nhờ bào chữa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, hoặc trong quá trình thực hiện việc bào chữa, luật sư phát hiện thêm hành vi bất lợi của khách hàng, trong đó có thể có hành vi vượt ngoài nội dung của quyết định truy tố. Nếu vì lo ngại rủi do pháp lý từ quy định không tố giác tội phạm của Bộ luật Hình sự hiện hành, mà buộc luật sư phải tố giác người nhờ mình bào chữa, là việc làm không phù hợp với nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp luật sư, chức năng bào chữa của luật sư, vi phạm quy tắc đạo đức nghề luật sư. Sẽ không có khách hàng nào muốn nhờ luật sư bào chữa cho mình để bị tăng nặng trách nhiệm hình sự. Uy tín của luật sư, của tổ chức hành nghề luật sư sẽ bị suy giảm.

Người viết bài này cho rằng, việc sửa đổi chế định không tố giác tội phạm nêu tại Điều 19 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), có bổ sung quy định tại khoản 3 nội dung Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiệnlà cần thiết.

Chế định này đạt được các yêu cầu là, bảo đảm tính thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật, tháo gỡ sự xung đột giữa quy định về việc cấm luật sư tiết lộ bí mật thông tin khách hàng quy định tại Luật Luật sư với chế định không tố giác tội phạm quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.

Chế định cũng bảo đảm nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp luật sư, chức năng bào chữa của luật sư. Bảo đảm điều kiện để luật sư thực hiện đúng Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp của luật sư; không để xảy ra trường hợp vì muốn tránh rủi ro pháp lý do không tố giác tội phạm, mà người bào chữa có thể tiết lộ bí mật khách hàng, tố giác tội phạm mà khách hàng đã thực hiện, hoặc đã tham gia thực hiện, dẫn đến việc khách hàng của luật sư bị tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Đồng thời, phù hợp với Điểm c, Điều 16 của Tuyên bố các nguyên tắc cơ bản về vai trò của luật sư (năm 1990) đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 về phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên Hợp Quốc, họp tại La Habana, Cuba từ ngày 27/8 đến ngày 7/9/1990, rằng: “Các quốc gia phải bảo đảm luật sư không bị truy tố, hoặc bị đe dọa truy tố hình sự hay chịu bất kỳ chế tài hành chính, kinh tế hoặc chế tài khác về bất cứ hành vi nào được thực hiện phù hợp với những nhiệm vụ, tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp đã được công nhận”.

Luật sư Trần Văn Toàn

Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội