Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Từ khu đất bỏ hoang…
Ít ai biết, khu sinh thái xanh mát, mô hình vườn ao, dịch vụ khang trang như hiện tại trước đây là nơi bỏ hoang lau sậy um tùm, ngập tràn chất thải ô nhiễm nghiêm trọng. Trăn trở trước tình trạng ô nhiễm môi trường, ông Nguyễn Xuân Hùng xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, chủ thầu công trình này đã biến khu đất thành điểm xử lý chất thải trong chăn nuôi bò sữa, kết hợp mô hình vườn ao và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Năm 2022, một trong những khu hoạt động chính của mô hình này là điểm du lịch Green Park đã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chất lượng OCOP 4 sao, đồng thời được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Với tổng diện tích hơn 15,6 ha, sau khi được giao đất, ông Hùng đã triển khai các hạng mục theo đúng thiết kế như: Khu xử lý và nuôi giun quế; khu sản xuất chế biến tạo phân hữu cơ; nhà kho chứa vật tư; khu trưng bày sản phẩm; nhà quản lý điều hành, nhà nghỉ tạm cho công nhân, nhà bảo vệ; khu vực trồng hoa, trồng cây ăn quả; khu hồ tích thủy chống úng ngập…
Đây cũng chính là điểm tham quan, trải nghiệm sinh thái kết hợp du lịch tâm linh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng; là điểm gắn kết chuỗi du lịch của Gia Lâm với các làng nghề, điểm du lịch như: Làng nghề hoa giấy Phù Đổng; làng gốm Bát Tràng; khu di tích đền Bà Tấm, xã Dương Xá…
Hiện nay, mô hình xử lý chất thải gia súc của ông Nguyễn Xuân Hùng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đang thu gom chất thải chăn nuôi của gần 100 hộ dân, tương đương lượng chất thải được đưa vào xử lý khoảng 10 – 12 tấn/ngày. Mỗi tháng, mô hình sản xuất ra khoảng 60 – 80 tấn phân hữu cơ giun quế. Sản phẩm sau khi xử lý được tiêu thụ tại các huyện trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… Doanh thu trung bình đạt khoảng 210 triệu đồng/tháng; trong 5 năm (từ 2015 – 2020) đạt 12,6 tỷ đồng. Đối với mô hình tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm, tại đây có các khu chính như: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh; khu nuôi giun công nghệ cao; khu sản xuất hoa công nghệ cao…thu hút khá nhiều khách tham quan du lịch, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Điểm trải nghiệm hấp dẫn
Sức hút của khu du lịch sinh thái Phù Đổng Green Park có thể thấy rõ qua số lượng đoàn khách đến tham quan trải nghiệm, trong đó học sinh của các trường học ở trong và ngoài Hà Nội chiếm tỉ lệ khá lớn.
Hiện khu sinh thái có các không gian trải nghiệm đặc sắc như: Khu truyền thống dân gian; khu vận động trải nghiệm; khu khoa học sáng tạo. Trong đó, khu truyền thống dân gian có các họat động: Nghe kể về truyền thuyết Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương; tham quan mô hình nhà Thánh Gióng, nơi sinh Thánh Gióng; tham gia nấu cơm niêu, làm tranh Đông Hồ, đấu vật... Khu vận động thể chất có các hoạt động: Sasuke, cầu trượt, mê cung, bắt cá dưới suối, trồng rau, thi tài bắn cung, thi kéo co. Khu khoa học sáng tạo có các hoạt động: Thăm quan vườn thú, cho thú ăn; thăm quan hồ cá koi, thung lũng hoa, nhà trên cây…
Dẫn học sinh tham gia trải nghiệm mô hình du lịch xanh tại Phù Đổng Green Park, thầy Trần Thùy, giáo viên khối 4 Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh, quận Hà Đông chia sẻ: Trường có hơn 1.000 học sinh đến tham quan trải nghiệm thuộc 3 khối (3,4,5). Những hoạt động ngoại khóa được nhà trường hết sức quan tâm để giúp học sinh có cơ hội cọ xát, trải nghiệm thú vị với cuộc sống xung quanh. Địa điểm không quá xa, di chuyển dễ dàng và thuận tiện. Cùng với đó là không gian xanh mát, trong lành bình yên, trò chơi đa dạng cho các em học sinh lựa chọn, vì vậy, các em rất hào hứng khám phá các trò chơi, trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, các trò chơi dân gian rất hăng say sau những chuỗi ngày học tập khá vất vả tại trường.
Bà Nguyễn Thị Đồng, (Nam Hồng, huyện Đông Anh), phụ huynh Trường Mầm non xã Nam Hồng không giấu được niềm vui và bày tỏ: Các con là học sinh mầm non tuy còn nhỏ nhưng khi đến với khu sinh thái này, các con hòa mình dễ dàng với thiên nhiên, nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị, phong phú, bạn nào cũng thích thú, cười đùa suốt hành trình và còn tỏ ý mong muốn một ngày gần nhất lại được trở lại đây.
Ông Phạm Xuân Thông, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Phù Đổng Green Park cho biết, khu sinh thái Phù Đổng Green Park ra đời trên khuôn viên 15,6ha với không gian thoáng đãng, trong lành, bao phủ bởi hệ thống cây xanh đến 90% diện tích. Tại đây có các khu chính như: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh; Khu trải nghiệm sinh thái dành cho các công ty, doanh nghiệp tổ chức sự kiện và Khu du lịch tâm linh kết nối với các di tích trên địa bàn…
Hiện tại, đơn vị quản lý khu sinh thái đã tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hoàn thành các điều kiện đảm bảo an toàn trong khai thác du lịch. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên, cộng tác viên theo hướng chuyên nghiệp để phục vụ khách du lịch. Phối hợp với hơn 50 đơn vị lữ hành tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Phú Thọ… để xây dựng và khai thác các tour, tuyến.
Từ đầu năm 2023 đến nay, khu sinh thái Phù Đổng Green Park đón khoảng 65.000 lượt khách, trong đó có khoảng 50.000 lượt học sinh, 15.000 lượt khách đi theo cơ quan, doanh nghiệp và khách lẻ.
Sự phát triển của khu du lịch sinh thái đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Hiện tại, Phù Đổng Green Park đang tạo công ăn việc làm cho 30 – 40 cán bộ, nhân viên và 60 – 100 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng.
Trong thời gian tới, đơn vị quản lý tiếp tục tập trung xây dựng các sản phẩm mang tính thương hiệu gắn với di sản văn hóa và sản phẩm đặc trưng của địa phương như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và lễ hội Gióng đền Phù Đổng; làng nghề hoa giấy Phù Đổng; khai thác dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Thúc đẩy gắn kết chuỗi du lịch giữa các làng nghề và du lịch tâm linh, du lịch ẩm thực trong huyện Gia Lâm như: Bát Tràng, Văn Đức, Dương Xá, Phù Đổng, Ninh Hiệp…
* Thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội.
Thiện Tâm