Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Di tích Kiếp Bạc |
Chương trình bắn pháo hoa diễn ra vào tối ngày 22/5/2010, tại thị xã Chí Linh.
Hải Dương là một trong các địa phương tổ chức hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ((19/5/1890-19/5/2010). Cũng nhân dịp này, UBND tỉnh Hải Dương thực hiện tổng kết 5 năm thực hiện Đề án nâng cấp Lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc.
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, có lịch sử xây dựng từ đầu thế kỷ thứ XIV. Đây là một quần thể di tích quốc gia quan trọng bao gồm, di tích lịch sử văn hoá, danh thắng Côn Sơn và khu di tích lịch sử văn hoá Kiếp Bạc. Hơn 7 thế kỷ qua trong tâm thức của người dân Việt Nam, Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi gắn bó mật thiết với cuộc đời của 2 danh nhân kiệt xuất: Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1228 - 1300); Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới - Nguyễn Trãi (1380 - 1442) và là nơi tu hành, nơi viên tịch của thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334) - vị tổ thứ 3 của thiền phái Trúc Lâm.
Chùa Côn Sơn từng là một quần thể có 83 gian, gạch đỏ, ngói đề men màu. Đến nay, chùa vẫn giữ lại được những ngọn đá chạm cánh sen và một số ngói mũi hài đời Trần. Sân chùa có 4 nhà bia, đặc biệt là bia "Thanh Hư Động" tạo từ thời Long Khánh (1373 - 1377) với nét chữ của Vua Trần Duệ Tông.
Cách chùa Côn Sơn không xa là di tích Kiếp Bạc, nơi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chọn là nơi để lập phủ đệ và quân doanh làm phòng tuyến chiến lược trấn giữ vùng Đông Bắc. Năm 1285, đây là nơi đã diễn ra trận Vạn Kiếp lịch sử, tiêu diệt đội quân xâm lược của Thoát Hoan. Đất nước thanh bình, Hưng Đạo Vương về sống ở Vạn Kiếp cho đến khi qua đời vào năm Canh Tí (1300).
Trong không khí những ngày kỷ niệm lớn, UBND tỉnh Hải Dương cũng vinh dự đón nhận sự kiện huyện Chí Linh đã được Chính phủ nâng cấp thành thị xã Chí Linh. Nằm ở phía đông bắc tỉnh Hải Dương, cách trung tâm tỉnh 40 km, Thị xã được chia thành 8 phường (Bến Tắm, Phả Lại, Sao Đỏ, Chí Minh, Cộng Hòa, Hoàng Tân, Thái Học, Văn An) và 12 xã (An Lạc, Bắc An, Cổ Thành, Đồng Lạc, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Tiến, Hưng Đạo, Kênh Giang, Lê Lợi, Nhân Huệ, Tân Dân, Văn Đức), trong đó có 13 xã, phường là miền núi, chiếm 76% diện tích và 56% dân số của toàn thị xã. Ngoài ra còn có Trường ĐH Sao Đỏ, trên 120 cơ quan đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Chí Linh nằm trong vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Đường bộ có Quốc lộ 18 chạy dọc theo hướng đông-tây qua trung tâm thị xã nối liền Hà Nội - Quảng Ninh. Đường thủy có chiều dài 40 km đường sông bao bọc phía đông, tây, nam của thị xã thông thương với Hải Phòng, Bắc Giang, Đáp Cầu (Bắc Ninh).
Gia Vi
(Nguồn: Công văn số 3122/VPCP-KGVX)