Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng ‘doanh nhân không chỉ cần hoa hồng mà cần bánh mì”.
“Bánh mỳ của doanh nhân là gì? Một là phải cởi trói, cắt giảm thủ tục. Hai là phải giảm chi phí. Ba là tạo môi trường cho doanh nghiệp yên tâm làm ăn lâu dài”, ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại diện cộng đồng doanh nghiệp. |
Thưa ông, sau hơn một năm của nhiệm kỳ Chính phủ mới, cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận như thế nào về các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh ?
Phải nói rằng chưa bao giờ chúng ta được chứng kiến những thông điệp và hành động dồn dập, mạnh mẽ như trong thời gian qua với sự phát triển của doanh nghiệp, của kinh tế tư nhân.
Trước hết, Đảng đã ban hành các Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.
Trung ương Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã hết sức quyết liệt trong nỗ lực phòng chống, đẩy lùi tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm.
Về phía Nhà nước, Chính phủ, đã nêu rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ và các cấp chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển doanh nghiệp, với những mục tiêu cụ thể, định lượng được, có thời gian, lộ trình cụ thể, nhất là mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu ASEAN về môi trường kinh doanh.
Mới đây nhất, cộng đồng doanh nghiệp hết sức phấn khởi khi Chính phủ ban hành Nghị quyết yêu cầu các bộ ngành rà soát, đề xuất cắt giảm ít nhất từ 1/3 đến một nửa các điều kiện kinh doanh. Cùng với đó, áp dụng các chuẩn mực tiên tiến của OECD để rà soát, cải cách điều kiện kinh doanh. Đây là bước tiến tiếp theo sau khi Chính phủ ban hành 50 nghị định về điều kiện kinh doanh trong năm 2016, cắt giảm nhiều điều kiện bất hợp lý và chấm dứt việc các Bộ tùy tiện ban hành ‘giấy phép con’.
Bản thân Thủ tướng cũng như con thoi liên tục làm việc với các bộ ngành, địa phương để thúc đẩy cải cách, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vướng mắc về thể chế… với những chỉ đạo rất cụ thể. Như Thủ tướng từng chia sẻ là tính trung bình, không ngày nào Chính phủ, Thủ tướng không làm việc về doanh nghiệp, với doanh nghiệp. Nhiều bộ, cơ quan, địa phương cũng đã chuyển biến trong nhận thức và hành động để cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Có thể nói, Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đã đốt ngọn lửa chống tham nhũng, cải cách và làm trong sạch bộ máy. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cùng Chính phủ nổi ngọn lửa cải thiện môi trường kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp trông đợi, ủng hộ và được khích lệ mạnh mẽ, được lấy lại niềm tin bởi cả hai ngọn lửa này.
Thế nhưng có ý kiến cho rằng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện đang yếu dần đi. Ý kiến này liệu có sát thực tế, thưa ông ?
Tôi không nghĩ như vậy. Nói cho đúng hơn, các điểm yếu vốn có của doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những doanh nghiệp lớn, bây giờ mới bộc lộ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Hơn thế nữa, sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới với cách mạng công nghiệp 4.0 đang khiến nhiều doanh nghiệp không theo kịp hoặc chưa kịp thích ứng. Câu chuyện tranh cãi giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ là một ví dụ.
Nhưng tôi lạc quan về tương lai của doanh nghiệp Việt Nam. Năng lượng kinh doanh của người Việt là rất dồi dào. Theo một khảo sát của mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu, thì Việt Nam nằm trong nhóm 20 nước có tinh thần kinh doanh cao nhất, khi cứ 10 người trưởng thành thì có 7 người mong muốn làm doanh nghiệp.
Thế nhưng điều đáng băn khoăn là tuy tinh thần kinh doanh thuộc nhóm cao nhất nhưng việc hiện thực hóa lý tưởng kinh doanh lại nằm trong nhóm cuối. Do đó, chúng ta rất cần sự khích lệ mạnh mẽ hơn và sự bảo đảm chắc chắn hơn cho việc khởi nghiệp.
Cá nhân tôi cho rằng với cách mạng 4.0, với sự bùng nổ của internet, thì kỷ nguyên của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ đã đến. Nền kinh tế thế giới tái cấu trúc lại cũng tạo cơ hội cho những người đi sau. Chúng ta muốn xây dựng một nền kinh tế bao dung, bền vững, không ai bị bỏ lại phía sau và công nghệ đang tạo cơ hội cho mục tiêu này.
Người Việt Nam rất giỏi xoay xở, rất giỏi thích nghi và điều này phù hợp với những cơ hội kinh doanh hiện nay. Trong bối cảnh kết nối toàn cầu đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, bất kỳ một ai cũng có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng trên toàn cầu. Một người nông dân Việt Nam ngồi tại nhà cũng có thể bán rau sang Mỹ, Nhật… trực tiếp cho từng người tiêu dùng. Khi thương mại điện tử phát triển thì các doanh nghiệp siêu nhỏ có thể tham gia và trở thành chủ thể năng động, sáng tạo của nền kinh tế toàn cầu. Trong khi Việt Nam có những lợi thế lớn về nông nghiệp, ẩm thực, du lịch và kinh tế sáng tạo, công nghệ thông tin.
Do đó, tôi không lo ngại về quy mô doanh nghiệp nhỏ, mà điều lo ngại là doanh nghiệp không đạt chuẩn. Doanh nghiệp nhỏ có thể đi vào những thị trường ngách bằng cách tạo ra sự khác biệt, nhưng để làm được như vậy phải theo các chuẩn mực quốc tế. Rất mừng là các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được rằng phải thay đổi cách thức làm ăn theo hướng bài bản hơn, nhân văn hơn, không thể làm ăn chụp giật như trước được nữa.
Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp mong đợi những điều gì trong thời gian tới?
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam được tổ chức hồi tháng 7/2017 với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với câu hỏi doanh nhân cần gì ở Chính phủ vào thời điểm này, 65% chọn Chính phủ hành động, 24% chọn Chính phủ liêm chính và 11% chọn Chính phủ kiến tạo.
Doanh nghiệp cần nhất là sự đối xử bình đẳng để được cạnh tranh lành mạnh. Không thể ưu tiên doanh nghiệp nhà nước, nhưng doanh nghiệp tư nhân cũng không cần những chính sách riêng, những ưu tiên riêng. Điều quan trọng nhất là hãy đối xử bình đẳng, trao cơ hội cạnh tranh cho mọi doanh nghiệp, cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng theo tôi vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhiều dự án Luật với tinh thần cải cách mạnh mẽ vẫn đang còn dang dở như Luật Cạnh tranh sửa đổi, Luật Quy hoạch…
Hay như tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, một yêu cầu được đặt ra là các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ rà soát, chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ công cho doanh nghiệp, người dân đảm nhiệm, đây là một chủ trương cần được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh nhiều lần rằng chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân. Và những gì mà tư nhân có thể làm tốt thì Nhà nước tạo điều kiện cho tư nhân làm.
Theo quan sát cá nhân tôi, những nỗ lực của Chính phủ, của Thủ tướng trong cắt giảm thủ tục, chi phí, điều kiện kinh doanh mới đây là một sự tiếp nối những thành tựu của Đề án 30 gần 10 năm trước với mục tiêu cắt giảm khoảng 30% các thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ. Cộng đồng doanh nghiệp trông đợi Chính phủ sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra, nhưng vấn đề là sau khi cắt giảm thì làm sao để các thủ tục, điều kiện kinh doanh không sinh sôi nảy nở trở lại.
Việc sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới kinh doanh cũng cần khẩn trương hơn và tôi ủng hộ việc một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định. Tinh thần là không cầu toàn, bất kể quy định nào dù lớn hay nhỏ nếu bất hợp lý thì đều phải sửa. Có những vấn đề tưởng rất nhỏ nhưng ảnh hưởng rất nhiều tới doanh nghiệp.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hà Chính (thực hiện)