Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nhiều hàng quán vỉa hè chưa biết đến quy định mới - Ảnh: Chinhphu.vn |
Khảo sát của phóng viên trước một số cổng trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội, đa số người bán hàng rong và cả người mua hàng vẫn chưa biết đến quy định mới của Bộ Y tế.
Một số người bán hàng xôi, bún đậu mắm tôm thậm chí còn không sử dụng găng tay dùng một lần khi cắt bún, bốc xôi cho khách.
Anh Trị - bán cơm nắm, bánh dày giò trên đường Láng Hạ (Hà Nội) lắc đầu khi được hỏi về Thông tư 30 của Bộ Y tế. Anh Trị thực thà tâm sự: “Mẹ tôi từ Văn Lâm, Hưng Yên ra đây bán cơm nắm, bánh dày giò mấy năm rồi. Giờ mẹ tôi chuyển ra bán ở Mỹ Đình, tôi “tiếp quản” chỗ này. Từ trước đến giờ vẫn bán như thế này, thấy người có đồng phục đến kiểm tra thì gánh hàng chạy.”
Chị Loan bán bánh gối, bánh rán tại cổng trường học khu vực Thành Công tỏ ra lo ngại khi nghe đến các quy định của Thông tư: “Một số quy định tôi có thể tuân theo như tủ kính, găng tay, bàn… nhưng hoá đơn chứng minh nguồn gốc của thực phẩm thì khó quá, làm sao ra chợ mua mấy mớ rau, cân thịt mà bảo phải có hoá đơn, chứng từ bây giờ”.
Điều đáng lưu ý là về phía người tiêu dùng, khá nhiều người nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ thức ăn đường phố, song họ vẫn "vô tư" mua, ăn dù biết người bán làm ngơ những tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bạn Nguyễn Thị Lưu, sinh viên Đại học Khoa học Tự nhiên cho biết: “Mỗi khi đi ăn quán, em chỉ cần để ý quán ăn nào trông có vẻ sạch sạch. Còn việc người bán hàng phải có tủ kính rồi khoang chứa đựng thức ăn, họ toàn là người khó khăn, lấy đâu ra tiền sắm những thứ đó.”
An toàn thực phẩm để thu hút khách
Bên cạnh những cửa hàng vi phạm quy định an toàn thực phẩm, thực tế ghi nhận nhiều người kinh doanh thức ăn đường phố rất có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Trần Thị Mùi: Giữ cửa hàng sạch để khách yên tâm vào ăn - Ảnh: Chinhphu.vn |
Bà Trần Thị Mùi bán cháo trai, trứng vịt lộn tại Đội Cấn (Hà Nội) từ mấy năm nay đã sử dụng tủ kính để đựng thức ăn cho đảm bảo vệ sinh. Bà Mùi cho biết: “Mình phải giữ cho cửa hàng thật sạch sẽ, vệ sinh, có như vậy khách mới yên tâm vào ăn, lần sau lại đến nữa.”
Chị Nguyễn Minh Thúy, bán chè ở chợ Ngọc Hà (Hà Nội) tuy chưa nắm rõ về Thông tư 30 nhưng cũng đã sẵn sàng thực hiện một số yêu cầu của Thông tư 30. “Tủ kính mình cũng chuẩn bị rồi, giờ tủ kính nhỏ dùng để đựng xôi, còn 1 tủ kính lớn mình sẽ dùng nó để đựng sản phẩm chè. Về hóa đơn nguyên liệu, nếu có yêu cầu thì cũng có thể lấy được”. Chị Thúy cho biết, năm vừa qua, gia đình chị cũng cử người tham gia tập huấn về an toàn thực phẩm nhưng không có Giấy chứng nhận. Về việc khám sức khỏe, ban quản lý chợ Ngọc Hà có tổ chức khám sức khỏe cho các tiểu thương ở chợ khoảng 2 lần/năm.
Cửa hàng bánh giò đối diện với vườn hoa Lý Tự Trọng, Hồ Tây (Hà Nội) còn thiếu rất nhiều trang thiết bị đảm bảo vệ sinh. Bà Hòa, chủ cửa hàng này cho biết, sắp tới bà sẽ đầu tư trang thiết bị, dụng cụ, tủ kính, bàn bày thực phẩm, đi găng tay theo đúng yêu cầu đặt ra và mong muốn sẽ được theo học các khoá tập huấn để trang bị kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cần từ ý thức của người bán và người mua
Theo khảo sát của phóng viên, các cửa hàng miến ngan, bún cá, bún chả, xôi trên một số tuyến phố như Đội Cấn, Liễu Giai, Nguyễn Ngọc Vũ mặc dù chưa biết rõ quy định sẽ phải áp dụng từ ngày mai 20/1/2013 nhưng đã đầu tư tủ kính, bàn innox cao, có khoang chứa đựng, sử dụng găng tay dùng 1 lần, thức ăn sống và đồ ăn ngay bày bán riêng biệt…
Thực tế cho thấy, việc người bán hàng rong thực hiện các quy định an toàn thực phẩm hay không phần lớn và trước hết là từ chính ý thức của bản thân họ người bán và đòi hỏi của người mua. Cơ quan chức năng không thể lúc nào cũng có mặt tại mọi ngóc ngách để thực hiện việc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý.
Ý thức giữ gìn vệ sinh thực phẩm để thu hút khách hàng khiến những người bán hàng rong cần thực hiện các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bằng cách này cũng là bảo đảm “nguồn kiếm sống” của bản thân họ.
Gia Huy – Thanh Hoài
Tin liên quan:
Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm với thức ăn đường phố
Quy định mới về thức ăn đường phố: Có khó thực hiện?