• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hành lang pháp lý của ngành ngân hàng đang mở đường cho áp dụng công nghệ

(Chinhphu.vn) - Hành lang pháp lý của ngành Ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97-98%.

29/10/2024 17:36
Hành lang pháp lý của ngành ngân hàng đang mở đường cho áp dụng công nghệ- Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 - Ảnh: VGP/HT

Đây là ý kiến của Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024, do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức dưới sự chủ trì của NHNN tổ chức ngày 29/10 tại Hà Nội.

Hành lang pháp lý cho ngân hàng đã mở

Phát biểu tại phiên toàn thể của sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng chia sẻ, nối tiếp thành công của năm ngoái, chuỗi sự kiện hội thảo và triển lãm Smart Banking năm nay trở lại với chủ đề ngành ngân hàng đang rất quan tâm: "Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững".

Có thể nói rằng, về mặt không gian pháp lý đối với chuyển đổi số, ngành ngân hàng hiện nay rất mở và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được. Chẳng hạn, từ việc mở tài khoản bằng eKYC từ năm 2021, cho đến việc từ ngày 1/10/2024 chỉ cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn…

"Hành lang pháp lý của ngành Ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97-98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành ngân hàng vẫn đạt mức 2 con số hằng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Tỷ lệ số hoá của ngành ngân hàng là rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng còn mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Đối với quá trình chuyển đổi số cũng vậy. Ngành Ngân hàng đã kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông,…

"Kết nối và tích hợp là điểm mới, điểm sáng mà ngành ngân hàng đã làm được. Tuy nhiên, việc tích hợp với nhiều đơn vị cũng mang đến những nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành", lãnh đạo NHNN nói.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị, các chủ đề được thảo luận, chia sẻ tại sự kiện Smart Banking năm nay sẽ hướng đến nội dung định hình tương lai số cho ngành ngân hàng tại Việt Nam một cách thiết thực, gần gũi, sát với thực tiễn và mang tính ứng dụng cao.

"Hiện tại, dữ liệu cho thấy chúng ta có hàng chục triệu khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Do đó, sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, chúng ta phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. Đây là thời điểm, các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Về việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN, ông Phạm Tiến Dũng cho biết, sau khi quy định mới có hiệu lực, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt. Dù vậy, Phó Thống đốc khẳng định không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo. Quyết định 2345, Thông tư 17 đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân. Tuy nhiên từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết: Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để bảo đảm xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký.

Đồng thời, lãnh đạo NHNN cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ, ngành khác, bởi các doanh nghiệp được cơ quan thẩm quyền cấp phép kinh doanh. Nếu để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ đối với ngành Ngân hàng mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn xảy ra trên mọi lĩnh vực.

Phó Thống đốc cũng bày tỏ hy vọng, sự kiện lần này, các công ty công nghệ cũng sẽ trình bày những giải pháp thiết thực giúp ngành Ngân hàng hướng tới hoạt động một cách an toàn, bền vững.

Hành lang pháp lý của ngành ngân hàng đang mở đường cho áp dụng công nghệ- Ảnh 2.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT

Bước ngoặt quan trọng trong chuyển đổi số ngân hàng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhận định: Ngành ngân hàng Việt Nam và thế giới đang trải qua một bước ngoặt quan trọng trong chuyển đổi số.

Các công nghệ như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo tăng cường và nền tảng ngân hàng mở đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu giao dịch 24/7 của khách hàng.

Theo lãnh đạo Hiệp hội ngân hàng: Đến nay, hơn 80% người trưởng thành tại Việt Nam đã sở hữu tài khoản thanh toán, với số lượng hồ sơ khách hàng cá nhân và tổ chức trên toàn hệ thống đạt hơn 200 triệu. Trong đó, 46,7 triệu hồ sơ đã được xác thực thông tin sinh trắc học qua căn cước công dân gắn chip, đảm bảo an toàn tối đa cho cả khách hàng và ngân hàng.

Bên cạnh những thành tựu, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ ra các thách thức ngày càng lớn về an ninh, an toàn thông tin, nhất là khi các cuộc tấn công mạng có chủ đích nhằm vào hệ thống ngân hàng và các thủ đoạn lừa đảo khách hàng đang gia tăng.

"Ngành ngân hàng cần không ngừng nâng cao các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, đồng thời tăng cường ý thức bảo mật cho khách hàng trong giao dịch trực tuyến. Đảm bảo an toàn thông tin là yếu tố cốt lõi để ngành ngân hàng phát triển bền vững trong thời đại số", ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Hành lang pháp lý của ngành ngân hàng đang mở đường cho áp dụng công nghệ- Ảnh 3.

Triển lãm Smart Banking 2024 thu hút đông đảo khách tham quan - Ảnh: VGP/HT

Trao đổi bên lề hội thảo, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết: Hiện nay, hơn 98% giao dịch của TPBank diễn ra trên nền tảng số. Điều này đòi hỏi ngân hàng phải xây dựng một hạ tầng công nghệ mạnh mẽ, đảm bảo an toàn và vận hành ổn định. Ông Nguyễn Hưng nhấn mạnh: Khi lượng giao dịch số tăng cao, chúng tôi phải đối mặt với áp lực lớn về bảo mật thông tin. TPBank không chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng mạnh mà còn tập trung bảo vệ khách hàng khi họ tự thực hiện giao dịch qua các ứng dụng di động và nền tảng số của ngân hàng.

Trong bối cảnh môi trường số, các tội phạm mạng ngày càng tinh vi, không chỉ nhắm vào hệ thống ngân hàng mà còn tấn công vào từng khách hàng.

"Ngoài bảo vệ hệ thống, chúng tôi không ngừng cảnh báo, hướng dẫn khách hàng cách bảo vệ thông tin cá nhân, không chia sẻ mật khẩu, mã OTP với bất kỳ ai. Đây là thách thức không chỉ riêng TPBank mà của toàn ngành ngân hàng," ông Nguyễn Hưng chia sẻ.

Lãnh đạo TPBank cho hay, ngân hàng đang đẩy mạnh triển khai công nghệ sinh trắc học và xác thực căn cước công dân gắn chip để nâng cao an toàn cho các giao dịch trực tuyến của khách hàng. Ông nhận định: "Sinh trắc học sẽ tạo ra phương thức xác thực độc nhất, tăng cường bảo mật và giúp khách hàng an tâm hơn khi giao dịch qua kênh số."

Nhấn mạnh về công nghệ AI, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết ngân hàng VietinBank đã ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả làm việc và tối ưu chi phí vận hành. Theo ông, AI không chỉ giúp giảm bớt thời gian đào tạo mà còn hỗ trợ các quy trình tự động trong nội bộ ngân hàng.

"Chúng tôi đã triển khai hệ thống chatbot AI, giúp nhân viên tiếp cận quy trình và tài liệu nội bộ nhanh chóng. Điều này đặc biệt hữu ích với các nhân viên mới, khi phải tiếp cận khối lượng tài liệu khổng lồ của ngân hàng," ông Lân cho biết.

Bên cạnh đó, AI còn là công cụ đắc lực giúp VietinBank phân tích hành vi khách hàng và cá nhân hóa dịch vụ. Ông Trần Công Quỳnh Lân cho biết: AI cho phép ngân hàng hiểu rõ nhu cầu và thói quen của từng khách hàng, từ đó dự đoán và cung cấp các sản phẩm phù hợp. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Về bảo mật, đại diện VietinBank cho hay: AI không chỉ tăng cường bảo mật mà còn giúp VietinBank tùy biến hệ thống dễ dàng khi có thay đổi công nghệ hoặc yêu cầu mới từ khách hàng. "Trước đây, việc điều chỉnh hệ thống rất mất thời gian, nhưng nhờ AI, chúng tôi có thể phản ứng nhanh, từ đó cải thiện dịch vụ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng," ông Trần Công Quỳnh Lân chia sẻ thêm.

Smart Banking 2024 đã tạo ra diễn đàn để các tổ chức tài chính, công ty công nghệ và các bên liên quan chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng mới nhất và xây dựng chiến lược phát triển ngân hàng số bền vững. Ngoài ra, hoạt động diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng – DF Cyber Defense là một trong những điểm nhấn của sự kiện, giúp các ngân hàng thương mại tăng cường khả năng đối phó với các cuộc tấn công mạng, đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin quan trọng. Việc diễn tập giúp các ngân hàng nhận diện và đánh giá nguy cơ, từ đó nâng cao năng lực ứng phó, bảo vệ dữ liệu khách hàng một cách hiệu quả.

Anh Minh