• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hành trình tỷ đô của nông sản các nước (Kỳ 2): 'Ngọt ngào' cây ớt Ấn Độ

(Chinhphu.vn) – Với những người nông dân, ớt là loại cây "một vốn mười lời". Nguyên nhân là bởi đây là loại cây trồng có đặc điểm sinh trưởng ngắn ngày, có thể trồng xen với cây ăn quả và không đòi hỏi nhiều công chăm sóc. Với Ấn Độ, cây ớt đem lại cho người nông dân những mùa vụ "ngọt ngào".

22/07/2025 18:25

Hành trình tỷ đô của nông sản các nước (Kỳ 2): 'Ngọt ngào' cây ớt Ấn Độ- Ảnh 1.

Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu ớt khô hàng đầu thế giới - Ảnh: The Hindu

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), ngành kinh doanh ớt có giá trị lên tới 9 tỷ USD/năm. Trong đó, khu vực châu Á chiếm gần 70% nguồn cung ớt toàn cầu.

Trên thế giới, theo thống kê đến hết năm 2023, châu Á - Thái Bình Dương chiếm lĩnh thị trường với Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu ớt khô hàng đầu thế giới.

Ấn Độ tiêu thụ 70% lượng ớt trong nước và chỉ xuất khẩu 30% tổng sản lượng. Tuy nhiên, đây vẫn là nước xuất khẩu ớt lớn nhất thế giới. Trong giai đoạn 2023-2024, Ấn Độ sản xuất được 1,98 triệu tấn ớt. Ớt đỏ là loại gia vị được xuất khẩu nhiều nhất từ Ấn Độ với giá trị 1,31 tỷ USD (giai đoạn 2023-2024).

Từ cánh đồng truyền thống đến cánh đồng thông minh

Các sáng kiến chuyển đổi số nông nghiệp Ấn Độ đã mang lại những kết quả tích cực ban đầu, bao gồm tăng năng suất, thu nhập và hiệu quả, thúc đẩy tính bền vững trong nông nghiệp bằng cách giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón, giúp nông dân tiếp cận với tài chính và các công nghệ mới.

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ấn Độ, tuy nhiên, ngành này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức như năng suất thấp, thu nhập nông dân thấp và thiếu hiệu quả.

Để giải quyết những vấn đề này, Ấn Độ đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), máy bay không người lái và chuỗi khối (blockchain) để nâng cao năng suất, thu nhập và tính bền vững.

Hành trình tỷ đô của nông sản các nước (Kỳ 2): 'Ngọt ngào' cây ớt Ấn Độ- Ảnh 2.

Đóng gói ớt tại một nhà máy gia vị ở Maharashtra, Ấn Độ

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Ấn Độ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân và bang Telangana đưa ra sáng kiến AI4AI (AI cho đổi mới nông nghiệp).

Thử nghiệm khung AI4AI được tiến hành ở huyện Khammam của Telangana với 7.000 nông dân. Được đặt tên theo địa phương là Saagu Baagu, sáng kiến này đã chuyển đổi nghề trồng ớt ở huyện Khammam bằng cách sử dụng dịch vụ tư vấn bot, công nghệ kiểm tra đất, kiểm tra chất lượng dựa trên AI và nền tảng kỹ thuật số để kết nối người mua và người bán.

Cuộc thử nghiệm kéo dài 18 tháng và 3 chu kỳ trồng trọt. Trong thời gian này, nông dân đã báo cáo thu nhập ròng tăng đột biến, đạt 800 USD/một mẫu Anh (khoảng 0,4 ha) trong một vụ nuôi (6 tháng), gấp đôi thu nhập trung bình. Các dịch vụ tư vấn số đã góp phần giúp tăng 21% sản lượng ớt trên mỗi mẫu Anh. Việc sử dụng thuốc trừ sâu giảm 9% và phân bón giảm 5%, trong khi cải tiến chất lượng đã đẩy đơn giá tăng 8%.

Sáng kiến Saagu Baagu không chỉ mang lại thành công cho nông dân mà còn đạt được các mục tiêu bền vững và hiệu quả do AI4AI đặt ra. Kết quả là vào tháng 10/2023, chính quyền bang đã mở rộng sáng kiến Saagu Baagu, thu hút 500.000 nông dân, phụ trách 5 vụ mùa trên 10 huyện.

Theo WEF, khi phần lớn các khu vực toàn cầu vẫn đang phải vật lộn với những thách thức trong việc bảo đảm an ninh lương thực, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ sinh kế, sáng kiến công nghệ nông nghiệp của Ấn Độ cho thấy kết quả đầy hứa hẹn khi sử dụng AI cho nông nghiệp.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm và câu chuyện thành công thông qua các nền tảng số này mang đến cho nông dân những hiểu biết sâu sắc có giá trị và các chiến lược sử dụng AI cho nông nghiệp. Điều này có thể giúp thúc đẩy đổi mới và định hướng các nỗ lực toàn cầu trong canh tác kỹ thuật số, thúc đẩy tính bền vững, tính toàn diện, hiệu quả và cải thiện dinh dưỡng trên toàn thế giới.

5 "di sản địa lý" từ giống ớt Ấn Độ

Thành công của ngành ớt Ấn Độ còn đến từ việc gìn giữ và phát triển các giống ớt bản địa quý hiếm. Nhiều giống đã được cấp nhãn chỉ dẫn địa lý (GI) – khẳng định uy tín về chất lượng và nguồn gốc vùng trồng.

Hành trình tỷ đô của nông sản các nước (Kỳ 2): 'Ngọt ngào' cây ớt Ấn Độ- Ảnh 3.

Ớt Bhut Jolokia nổi tiếng là một trong những loại ớt cay nhất thế giới

Theo Times of India, có nguồn gốc từ bang Assam, ớt Bhut Jolokia nổi tiếng là một trong những loại ớt cay nhất thế giới. Loại ớt này đã gây tiếng vang toàn cầu vào năm 2007 khi được ghi danh vào Sách Kỷ lục Guinness thế giới với danh hiệu ớt cay nhất. 

Ghi nhận sự độc đáo của giống ớt này, Chính phủ Ấn Độ đã cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2008.

Không chỉ là niềm tự hào của bang Andhra Pradesh, ớt Guntur còn là biểu tượng cho sức mạnh gia vị của Ấn Độ, đóng góp khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu ớt của cả nước. 

Hành trình tỷ đô của nông sản các nước (Kỳ 2): 'Ngọt ngào' cây ớt Ấn Độ- Ảnh 4.

Ớt Guntur còn là biểu tượng cho sức mạnh gia vị của Ấn Độ

Với hương vị cay nồng đặc trưng, giống ớt này được sử dụng rộng rãi trong chế biến món mặn, trở thành thành phần không thể thiếu làm nên bản sắc ẩm thực Ấn Độ.

Ớt Khola – giống ớt đặc hữu của vùng Khola, bang Goa – nổi tiếng với hương vị cay độc đáo, mùi thơm quyến rũ và sắc đỏ rực rỡ. 

Loại ớt này thường được sử dụng trong các món đặc sản địa phương như dưa xoài chua, chutney và cà ri cá, góp phần tạo nên bản sắc ẩm thực ven biển miền Tây Ấn Độ. 

Hành trình tỷ đô của nông sản các nước (Kỳ 2): 'Ngọt ngào' cây ớt Ấn Độ- Ảnh 5.

Ớt Khola – giống ớt đặc hữu của vùng Khola, bang Goa – nổi tiếng với hương vị cay độc đáo, mùi thơm quyến rũ và sắc đỏ rực rỡ

Ghi nhận giá trị truyền thống và vai trò trong đời sống địa phương, Chính phủ Ấn Độ đã trao chỉ dẫn địa lý cho ớt Khola.

Có nguồn gốc từ bang Manipur và chủ yếu được trồng ở huyện Ukhrul, ớt Hathei nổi bật với hương thơm quyến rũ, vị cay đặc trưng và màu sắc đậm đà. Với chiều dài trung bình từ 20-23 cm và sắc đỏ rực rỡ, giống ớt này đã được Chính phủ Ấn Độ cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2021.

Hành trình tỷ đô của nông sản các nước (Kỳ 2): 'Ngọt ngào' cây ớt Ấn Độ- Ảnh 6.

Với chiều dài trung bình từ 20-23 cm và sắc đỏ rực rỡ, giống ớt Hathei được Chính phủ Ấn Độ cấp chỉ dẫn địa lý vào năm 2021

Trong khi đó, ớt Dalle Khorsani, loại ớt tròn nhỏ được ưa chuộng trong món Momo Chutney, là niềm tự hào của vùng Darjeeling. Loại ớt này không chỉ mang đến hương vị cay nồng độc đáo mà còn góp phần tạo nên bản sắc ẩm thực vùng núi phía Đông Ấn Độ. 

Nhận thấy giá trị văn hóa – ẩm thực đặc biệt, Chính phủ Ấn Độ đã cấp chỉ dẫn địa lý cho Dalle Khorsani vào năm 2020. Ngoài Darjeeling, giống ớt này cũng được trồng phổ biến tại Sikkim và các vùng lân cận.

An Bình

>> Hành trình tỷ đô của nông sản các nước (Kỳ 3): 'Tuyệt chiêu' của sâm Hàn