Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Lê Thu như sau:
Theo khoản 3 Mục II Thông tư số 79/2005/TT-BNV, nguyên tắc xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện xếp lương theo ngạch công chức, viên chức như sau: Trường hợp chuyển sang làm công việc mới không phù hợp với ngạch công chức, viên chức đang giữ thì phải chuyển ngạch.
Theo khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV, việc xếp lương khi chuyển ngạch trong cùng loại công chức, viên chức thực hiện như sau:
Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch mới trong cùng nhóm ngạch với ngạch cũ (ngạch cũ và ngạch mới có cùng hệ số bậc lương), thì xếp ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) sang ngạch mới.
Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch mới có hệ số lương cùng bậc cao hơn ngạch cũ (ví dụ từ ngạch thuộc A2.2 sang ngạch thuộc A2.1), thì thực hiện như cách xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức hướng dẫn tại Khoản 1 mục II Thông tư này như sau: Được xếp hệ số lương bằng ngạch cũ hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Nếu đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.
Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch mới có hệ số lương cùng bậc thấp hơn ngạch cũ (ví dụ từ ngạch thuộc A2.1 sang ngạch thuộc A2.2), thì thực hiện như cách xếp lương hướng dẫn tại điểm a Khoản 2 này và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm nhiên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ. Hệ số chênh lệch bảo lưu này được thực hiện như hướng dẫn tại điểm c Khoản 1 mục II Thông tư này như sau:
- Trường hợp có tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ lớn hơn hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới, thì xếp vào hệ số lương ở bậc cuối cùng trong ngạch mới và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới (kể cả hệ số chênh lệch bảo lưu) và thời gian xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.
- Hệ số chênh lệch bảo lưu này (tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới.
Trường hợp bà Lê Thu làm việc tại một đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2014 đơn vị đó được sáp nhập với một đơn vị sự nghiệp công lập khác cùng ngành. Sau khi sáp nhập, bà Thu được chuyển sang làm công việc mới, nếu công việc mới không phù hợp với ngạch viên chức đang giữ thì phải chuyển ngạch. Căn cứ quy định tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV nêu trên:
- Trường hợp bà Thu được bổ nhiệm vào ngạch mới có hệ số lương cùng bậc cao hơn ngạch cũ thì xếp hệ số lương bằng ngạch cũ hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Nếu đang hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ, thì căn cứ vào tổng hệ số lương cộng phụ cấp thâm niên vượt khung đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới.
- Trường hợp bà Thu được bổ nhiệm vào ngạch mới trong cùng nhóm ngạch với ngạch cũ, thì xếp ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ.
- Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch mới có hệ số lương cùng bậc thấp hơn ngạch cũ, thì được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm nhiên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ.
Như vậy về nguyên tắc, sau khi bà Thu thay đổi công việc mới, nếu đơn vị thực hiện việc chuyển ngạch cùng loại đối với bà, thì hệ số lương của bà không thấp hơn ở ngạch cũ. Như vậy trong 5 tháng còn lại trước khi nghỉ hưu, hệ số lương của bà không thay đổi.
Về phụ cấp trách nhiệm công việc, tại khoản 2, Mục III, Thông tư số 05/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức quy định: Khi không làm công việc có quy định hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc từ một tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc. Theo đó, nếu bà Thu thay đổi công việc mới, mà công việc đó không có quy định hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc, thì bà Thu không được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc.
Do phụ cấp trách nhiệm công việc không dùng để tính đóng, hưởng chế độ BHXH, nên cho dù được hưởng hay không được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc cũng không làm thay đổi mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu.
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.