Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có thể thấy tỷ lệ vốn đầu tư/GDP giảm dần theo các năm, cụ thể năm 2010 là 38,5%; năm 2014 ước 30,1%; năm 2015 ước 30%. Đây là kết quả của việc chuyển đổi từ kế hoạch hoá tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập nên đã thu hút được nguồn vốn của các thành phần kinh tế ở trong nước và nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên nếu tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư dễ gây ra hiệu ứng phụ. Hạn chế về vốn đầu tư là có hạn. Bên cạnh đó, do năng suất lao động còn thấp, phần giá trị thặng dư để tích luỹ đầu tư mở rộng không nhiều, nên tích luỹ trong nước (tiết kiệm, để dành)/GDP còn nhỏ. Nếu tăng trưởng kinh tế mà chỉ dựa vào vốn đầu tư (thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP cao), sẽ phải tăng vay nợ nước ngoài, tăng nợ công và thời hạn vay ngắn hạn, gây áp lực trả nợ tăng lên.
Vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế, giống như “có bột mới gột nên hồ”, tuy nhiên quan trọng hơn vẫn là hiệu quả đầu tư.
Hiệu quả đầu tư được thể hiện bằng hệ số ICOR. Hệ số ICOR bình quân thời kỳ 2006-2010 là 6,2 lần (tức là để GDP tăng trưởng 1%, thì tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP phải đạt 6,2%); bình quân thời kỳ 2011-2013 đạt 5,6 lần (tức là để GDP tăng trưởng 1% thì tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP đạt 5,6%). Điều đó cũng có nghĩa là hiệu quả đầu tư của thời kỳ 2011-2013 đã cao hơn thời kỳ 2006-2010.
Từ ước tính năm 2014 của Chính phủ (theo Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, tỷ lệ vốn đầu phát triển toàn xã hội/GDP là 30,1%, tốc độ tăng GDP đạt 5,8%), có thể tính ra ICOR năm 2014 đạt 5,2 lần.
Từ định hướng kế hoạch năm 2015 của Chính phủ (tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP là 30%, tốc độ tăng GDP là 6,2%), có thể tính ra ICOR kế hoạch 2015 là 4,8 lần. Nếu ước tính và định hướng trên đạt được có thể tính ra tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP là 30,8%, tốc độ tăng GDP là 5,78% và ICOR thời kỳ 2011-2015 là 5,3% - thấp hơn thời kỳ 2006-2010.
Hệ số ICOR giảm là xu hướng tích cực phản ánh kết quả của xu hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, kết quả bước đầu của tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (trên cơ sở đẩy nhanh cổ phần hoá, thoái vốn ngoài ngành, tăng cường quản trị doanh nghiệp), tái cơ cấu các ngân hàng thương mại (trên cơ sở sáp nhập các ngân hàng yếu kém, chấn chỉnh các chỉ số an toàn,..).
Việc chuyển dịch cơ cấu các nguồn vốn có hệ số ICOR khác nhau cũng có tác dụng nâng cao hiệu quả đầu tư chung. Vì vậy, cần tạo điều kiện hơn nữa để khu vực ngoài Nhà nước bỏ vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, bởi có một lượng không nhỏ đang “đầu tư” vào vàng và USD. Bên cạnh đó, điều quan trọng là làm tốt công tác quy hoạch, tránh đầu tư dàn trải, loại bỏ cơ chế “xin-cho”, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm; tránh lãng phí, thất thoát,…
Minh Ngọc