• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

‘Hình sự hóa’ - nổi cộm oan sai

(Chinhphu.vn) – Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy rõ những vấn đề nổi cộm về tình hình oan sai hiện nay, trong đó có việc “hình sự hóa” các quan hệ dân sự, kinh tế.

09/05/2016 11:10
Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp - Ảnh VGP/Lê Sơn
Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá: Qua một loạt vụ án vừa qua, có những vụ Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến và được lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo, có thể nói tình trạng “hình sự hóa” các quan hệ dân sự, kinh tế hiện nay đang là mối quan tâm và bức xúc của xã hội.

Hậu quả của tình trạng này là gì, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Thảo: Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động kinh tế, thương mại, kinh doanh giữa các chủ thể, làm méo mó đi hình ảnh của cơ quan tư pháp và luật pháp ở nước ta, giảm sút niềm tin của công dân vào công lý. Điều này phải được khắc phục trong tiến trình cải cách tư pháp của đất nước, nhất là khi chúng ta đã thông qua Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Bộ luật Hình sự năm 2015…

Báo cáo giám sát tối cao số 870/2015/BC-UBTVQH13 ngày 20/5/2015 của UBTVQH về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” cho chúng ta thấy rõ những vấn đề nổi cộm về tình hình oan sai hiện nay, trong đó có việc “hình sự hóa” các quan hệ dân sự, kinh tế.

Phải nói là trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp, về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tình hình oan, sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây.

Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế, bất cập.

Theo đó, trong kỳ giám sát 2011-2014, các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02%, trong đó cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; viện kiểm sát đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội, 19 trường hợp tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Các trường hợp này chủ yếu thuộc một số loại, trong đó loại án về kinh tế do chủ quan của người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, chưa phân biệt được vi phạm pháp luật và hành vi phạm tội đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến oan, sai, trong đó có những vụ án bị oan sai do “hình sự hóa” các quan hệ dân sự, kinh tế, thưa ông?

Ông Đinh Xuân Thảo: Có những nguyên nhân khách quan và chủ quan trong vấn đề này. Đó là, một bộ phận điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chưa nghiêm túc chấp hành pháp luật; yếu kém về năng lực, trình độ; thiếu tính chuyên nghiệp, có biểu hiện bệnh thành tích, nôn nóng trong giải quyết vụ án, quá tin vào lời nhận tội của bị can, bị cáo; việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa thật đầy đủ, khách quan, toàn diện; chưa bảo đảm đúng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, từ đó có thái độ đối xử với người bị bắt, bị can, bị cáo như là người có tội; có trường hợp còn bảo thủ, định kiến trong giải thích và áp dụng pháp luật theo hướng bất lợi cho người bị tình nghi phạm tội.

Hồ sơ vụ án hình sự còn có xu hướng nặng về buộc tội và tại phiên tòa kiểm sát viên còn tập trung vào bảo vệ cáo trạng, dẫn tới nguyên tắc “suy đoán vô tội” và quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong một số trường hợp khó bảo đảm, tôn trọng thực sự. Hội đồng xét xử khi nghị án chưa quán triệt đầy đủ yêu cầu pháp luật “chỉ được căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên toà”.

Một bộ phận người tiến hành tố tụng còn yếu kém về phẩm chất, đạo đức, buông lỏng trách nhiệm công vụ, kể cả một số lãnh đạo cơ quan tố tụng địa phương. Đội ngũ luật sư còn thiếu, tính chuyên nghiệp chưa cao với gần 80% vụ án hình sự hiện nay chưa có luật sư tham gia nên chưa bảo đảm tranh tụng để tránh oan, sai…

Về nguyên nhân khách quan, chúng ta thấy một số quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành còn bất cập, thiếu hướng dẫn các tình tiết định tính như: “Hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng; số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn; quy mô thương mại, động vật được ưu tiên bảo vệ”; phân biệt giữa tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các vi phạm trong giao dịch dân sự, kinh tế… Một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự còn hạn chế, bất cập.

Nhưng nguyên nhân chính dẫn đến các trường hợp oan, sai chủ yếu thuộc về lỗi chủ quan của một số người tiến hành tố tụng.

Theo ông, giải pháp nào để khắc phục tình trạng “hình sự hóa” khi mà Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi năm 2015 và Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016?

Ông Đinh Xuân Thảo: Các cơ quan tiến hành tố tụng phải quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, về suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; nghiêm túc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra các trường hợp oan, sai. Khi đã xác định bị oan thì phải kịp thời minh oan, bồi thường thỏa đáng cho người bị oan theo quy định pháp luật; đồng thời xử lý nghiêm minh đối với người mắc sai phạm, trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan đã gây nên oan, sai.

Cơ quan điều tra các cấp chủ động, tích cực điều tra, khám phá kịp thời các loại tội phạm, hạn chế tối đa việc tạm đình chỉ điều tra để chống bỏ lọt tội phạm; áp dụng các biện pháp ngăn chặn chính xác để giảm tối đa các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính; tăng cường chống bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, quá trình điều tra phải thu thập đầy đủ các chứng cứ buộc tội, các chứng cứ gỡ tội để xác định sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện.

Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ gắn công tố với hoạt động điều tra, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra; phối hợp kịp thời với cơ quan điều tra trong việc phân loại, xử lý tội phạm ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và trong suốt quá trình điều tra; bảo đảm việc khởi tố, bắt, tạm giữ, tạm giam, truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chấn chỉnh, khắc phục việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án không đúng quy định.

Tòa án các cấp thực hiện tốt quyền tư pháp và nhiệm vụ bảo vệ công lý; tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm các bản án, quyết định hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đúng hình phạt và nghiêm minh; không để xảy ra trường hợp tòa án làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm; kiên quyết tuyên bị cáo vô tội trong trường hợp không có căn cứ kết tội; triệt để khắc phục các trường hợp xử phạt bị cáo quá nặng hoặc quá nhẹ, cho bị cáo hưởng án treo không đúng pháp luật, nhất là đối với các bị cáo phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng.

Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao phải có giải pháp hiệu quả tiếp tục nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm công vụ và tính chuyên nghiệp trong hoạt động tố tụng cho đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; xử lý nghiêm minh đối với người tiến hành tố tụng mắc sai phạm, trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tố tụng gây nên oan, sai.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Sơn (thực hiện)