Để giúp người dân thoát nghèo một cách bền vững và hạn chế tình trạng thoái hóa đất do hiện tượng xói mòn, rửa trôi đất; ngày 24/5/2007 UBND huyện Đăk Hà đã xây dựng Kế hoạch số 21/KH-UBND về hỗ trợ và cho vay tiền cây giống, khuyến khích phát triển cao su hộ gia đình giai đoạn 2007-2011; gần 3 tháng sau - ngày 3/8/2007, HĐND huyện khóa III (nhiệm kỳ 2004-2011) đã ban hành Nghị quyết số 34B/2007/NQ-HĐND về việc thực hiện chính sách hỗ trợ và cho vay tiền cây giống, khuyến khích phát triển cao su hộ gia đình trên địa bàn huyện giai đoạn 2007-2011. Sau 5 năm triển khai thực hiện, huyện đã hỗ trợ cho 3.242 hộ trồng được 3.137 ha cao su. Tuy chưa thu được lợi nhuận kinh tế từ cây cao su nhưng đây thực sự là một chủ trương đúng đắn của Đảng bộ và chính quyền địa phương, một cách làm hay nhằm giúp cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) thoát nghèo một cách bền vững.
|
Phát triển cây cao su hộ gia đình ở xã Ngọc Wang (Đăk Hà). |
Để thực hiện tốt Nghị quyết 34B của HĐND huyện, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, chính quyền các xã-thị trấn phối hợp với Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ phát triển cao su hộ gia đình trên địa bàn huyện. UBND huyện đã tiến hành rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp (trong đó có diện tích đất chuyển đổi trồng cao su tiểu điền); tăng cường và nâng cao năng lực, chất lượng công tác khuyến nông; chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (xây dựng các mô hình, vườm ươm giống; hỗ trợ giống cây, con; hỗ trợ vay vốn đầu tư phát triển trồng cây cao su tiểu điền...); đồng thời tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện hàng năm nhằm rút kinh nghiệm để triển khai thực hiện kế hoạch đạt kết quả cao hơn.
|
Phát triển cây cao su tiểu điền ở xã Đăk Hring (Đăk Hà). |
UBND huyện đã quyết định chuyển đổi một số diện tích đất hoang hóa, đất rừng nghèo và đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây cao su. Các hộ nghèo, đặc biệt là hộ ĐBDTTS được hỗ trợ giống, kỹ thuật, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và được hỗ trợ lãi suất để mua giống cao su. Vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa”, sử dụng đất canh tác của gia đình để phát triển diện tích cao su. Chỉ đạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp bám từng địa bàn cơ sở để hướng dẫn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su theo phương châm “cầm tay, chỉ việc”; đồng thời phối hợp với Đài TT-TH huyện xây dựng chuyên trang khuyến nông để người dân theo dõi, nắm bắt được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng và chăm sóc cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản. Bên cạnh đó, UBND huyện ưu tiên bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, vốn chương trình 135 để cung ứng giống và hỗ trợ sản xuất cho các hộ trồng cao su. Mở rộng năng lực sản xuất của vườm ươm, đảm bảo cung ứng đủ giống, kịp thời vụ và đạt chất lượng. Hướng dẫn qui trình kỹ thuật và hỗ trợ một số giống cây trồng như mỳ, bắp, đậu, đỗ để bà con trồng xen trong thời kỳ kiến thiết cơ bản.
Nhờ có chính sách hỗ trợ hộ nghèo phát triển cây cao su nên đến nay toàn huyện có 6.283 ha, tăng 3.629 ha so với năm 2006. Trong đó, diện tích cao su của các doanh nghiệp nhà nước là 2.068 ha; cao su của nhân dân là 4.215 ha, chiếm 67% tổng diện tích. Diện tích cao su hỗ trợ cho 3.242 hộ trồng mới trong 5 năm (2007-2011) theo Kế hoạch số 21/KH-UBND là 3.137 ha, chiếm 50% tổng diện tích cao su toàn huyện; trong đó hộ nghèo là 1363 hộ/1.520 ha, hộ đồng bào DTTS là 1.879 hộ/1.617 ha. Ngoài ra, còn có 935 hộ tự đầu tư trồng mới 1.078 ha. Nhờ được thụ hưởng chính sách này, diện tích cây cao su hộ gia đình ở một số xã phát triển nhanh như: Đăk Hring 650 ha, Đăk La 587 ha, Ngọc Wang 560 ha, Ngọc Réo 507 ha, Đăk Pxi 308 ha, Đăk Ui 262 ha... Tổng kinh phí thực hiện chính sách này là 26,790 tỷ đồng; trong đó: vốn Nhà nước đầu tư 13,295 tỷ đồng, vốn nhân dân vay Ngân hàng CSXH 11,557 tỷ đồng, vốn nhân dân tham gia đối ứng 1,938 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Trung - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nhằm giúp cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ ĐBDTTS có điều kiện phát triển cao su hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững, tại kỳ họp thứ 3 HĐND huyện khóa IV (diễn ra vào tháng 12/2011), trên cơ sở đề nghị của UBND huyện và ý kiến thống nhất của các đại biểu, HĐND huyện đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển cao su hộ gia đình giai đoạn 2012-2016. Theo đó, trong 5 năm tới, huyện sẽ hỗ trợ cho các đối tượng trên (hộ chưa có cao su, trồng từ 0,8-1 ha cao su/hộ) đầu tư phát triển 1.800 ha cao su với tổng nguồn kinh phí thực hiện là 89,356 tỷ đồng; trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 25,047 tỷ đồng, kinh phí nhân dân đối ứng 64,310 tỷ đồng. Đối với hộ nghèo: ngân sách huyện hỗ trợ 100% số lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để trồng mới và 50% lãi suất vay vốn NHCSXH để chăm sóc cao su trong 5 năm với mức vay không quá 30 triệu đồng/hộ (ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% số lượng giống cây cao su để trồng mới). Đối với hộ cận nghèo và hộ ĐBDTTS: được ngân sách huyện hỗ trợ 50% giá trị cây giống, hỗ trợ lãi suất tiền vay mua cây giống và tiền vay chăm sóc cao su trong 5 năm với mức vay không quá 30 triệu đồng/hộ...
Bài và ảnh: Quang Định