Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sự ra đời của Luật Công nghệ cao năm 2008 đã thể chế hóa các chính sách lớn về ứng dụng và phát triển công nghệ cao ở nước ta, trong đó việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ cao được tập trung chủ yếu thông qua một số nhiệm vụ chủ chốt, trong đó có tập trung nguồn lực xây dựng và phát triển các khu công nghệ cao, các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Điều 32 Luật Công nghệ cao).
Kể từ khi Luật Công nghệ cao được ban hành năm 2008, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về đầu tư, phát triển và quản lý đối với khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều này đã gây nên nhiều bất cập trong các hoạt động quản lý. Một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ nhưng đề xuất thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khi chưa có đủ điều kiện về đất đai, quy hoạch, nguồn lực..., hoặc chỉ tập trung vào sản xuất, các chức năng khác như nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao... chưa được chú trọng nên chưa có vai trò hạt nhân lan tỏa, phục vụ thúc đẩy phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp.
Việc thiếu các quy định hướng dẫn về quy hoạch, thành lập, mở rộng cũng như quy định về tổ chức hoạt động đã gây lúng túng cho các địa phương, các ban quản lý và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực thi các chính sách đầu tư, xây dựng và tổ chức các hoạt động quản lý nhà nước đối với các khu nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, đối với các khu công nghệ cao (theo quy định tại Điều 31 Luật Công nghệ cao), Nghị định số 99/2003/NĐ-CP cùng với việc ra đời của một số văn bản có liên quan đã bước đầu tạo được hành lang pháp lý cơ bản cho: hoạt động xây dựng và phát triển khu công nghệ cao; các hoạt động đầu tư, hoạt động khoa học và công nghệ, ươm tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao, thương mại hóa công nghệ cao…
Tuy nhiên đến nay, quy định tại các văn bản nói trên đã quá lỗi thời, nhiều điểm không còn phù hợp và không theo kịp với thực tiễn phát triển của các khu công nghệ cao trong cả nước. Rất nhiều quy định tại Nghị định số 99/2003/NĐ-CP bị hết hiệu lực do các quy định mới của pháp luật chuyên ngành như: quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế.
Các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với khu công nghệ cao từ trước đây không còn phù hợp, đặc biệt sau khi một số Luật chuyên ngành ra đời và/hoặc được sửa đổi, bổ sung, cập nhật thì các ưu đãi được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay đang có nhiều chuyển biến với những cơ hội và thách thức rất khác biệt so với giai đoạn trước đây, việc xây dựng, trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về khu công nghệ cao, bao gồm khu công nghệ cao quy định tại Điều 31 Luật Công nghệ cao (thay thế Nghị định số 99/2003/NĐ-CP) và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy định tại Điều 32 Luật Công nghệ cao, nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động của các khu công nghệ cao là cần thiết và cấp thiết, đảm bảo phù hợp với quy định của các luật mới được ban hành có liên quan, khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển các khu công nghệ cao trong thời gian qua, tạo điều kiện thuận lợi để các khu công nghệ cao phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới.
Dự thảo Nghị định gồm 07 Chương, 47 Điều, quy định cụ thể các vấn đề sau: những quy định chung; phương hướng xây dựng, phương án phát triển khu công nghệ cao; thành lập, mở rộng khu công nghệ cao; chính sách đối với khu công nghệ cao; hoạt động công nghệ cao trong khu công nghệ cao; quản lý nhà nước đối với khu công nghệ cao; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của khu công nghệ cao; điều khoản thi hành.
Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo này trên Cổng TTĐT của Bộ.
Minh Hiển