Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Công ty của bà Phạm Thùy My (Đà Nẵng) huy động 1 tổ chức nước ngoài góp vốn vào doanh nghiệp để mở rộng loại hình kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi chuyển vốn góp vào tài khoản đầu tư trực tiếp của công ty bà My thì tổ chức nước ngoài lại yêu cầu ngưng và muốn rút lại phần vốn góp đã chuyển (do tổ chức này gặp trục trặc về mặt pháp lý tại nước sở tại) và hồ sơ đăng ký mới của doanh nghiệp FDI chưa được hoàn thiện.
Bà My hỏi, với trường hợp trên công ty bà có thể chuyển hoàn phần vốn góp cho tổ chức nước ngoài hay không?
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN ngày 26/6/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam quy định doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo hình thức đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông và phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Doanh nghiệp không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp...
Điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định đối tượng mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp bao gồm: “a) Doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quy định tại Khoản 2 Điều 3 Thông tư này;”.
Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 06/2019/TT-NHNN quy định nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư Việt Nam được thực hiện góp vốn đầu tư bằng ngoại tệ, đồng Việt Nam theo mức vốn góp của nhà đầu tư tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành (đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thành lập và hoạt động theo pháp luật chuyên ngành), thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, hợp đồng PPP đã ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài liệu khác chứng minh việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-NHNN.
Đối với các trường hợp còn lại, nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư gián tiếp theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-NHNN ngày 12/3/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư gián tiếp để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Các giao dịch thu, chi trên tài khoản DICA và tài khoản vốn đầu tư gián tiếp đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 06/2019/TT-NHNN và Thông tư số 05/2014/TT-NHNN.