Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Hồ Thị Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, công tác PBGDPL đã được Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các Tổng cục và các đơn vị quan tâm, thường xuyên coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng có mối liên quan mật thiết trong việc đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính đã đề ra chương trình kế hoạch hàng năm, từng đơn vị thuộc hệ thống tài chính có kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể việc phổ biến, giáo dục pháp luật đến các cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị, đánh giá rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác này.
Trên cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã xác định rõ phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ chính trị của toàn hệ thống ngành Tài chính.
Song hành với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được triển khai đồng bộ, rộng rãi từ trung ương tới địa phương để đảm bảo các quy định mới trong lĩnh vực tài chính được các cơ quan quản lý, tổ chức có liên quan và người dân nắm được thông tin và thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định pháp luật và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Hằng năm, Bộ Tài chính đều ban hành Kế hoạch chung về phổ biến giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để triển khai công tác này trong toàn ngành.
Các Tổng cục thuộc Bộ đã ban hành kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong hệ thống của mình.
Theo đó, căn cứ vào các chương trình/kế hoạch về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các cấp có thẩm quyền phê duyệt thì nhiệm vụ về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm đã được giao trách nhiệm trực tiếp cho thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ.
Trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hoạt động theo đúng kế hoạch đề ra và đã đạt được nhiều kết quả về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, ngay sau khi các dự án Luật, Pháp lệnh do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đã được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tư pháp và Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương soạn thảo đề cương giới thiệu Luật để làm tài liệu giới thiệu, phổ biến cho các Sở Tư pháp, cho các tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành.
Bên cạnh đó, đã thực hiện sao gửi, biên soạn và phát hành tài liệu đối với hầu hết các Luật đã được Quốc hội thông qua, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư và các văn bản có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tài chính và các đối tượng chịu tác động là các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân.
Bên cạnh kết quả đạt được, đại diện Vụ Pháp chế cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Do phạm vi quản lý rộng, đội ngũ cán bộ, công chức đông ở cả Trung ương và địa phương trong khi đó trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tài chính chủ yếu mới đáp ứng được những vấn đề pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính, đối với các lĩnh vực khác còn phụ thuộc nhiều ở sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ngành khác nên có khi còn bị động.
Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật trong các năm qua rất lớn, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đã có những chuyển biến cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn còn mỏng nên việc tuyên truyền, phổ biến đôi khi còn chưa đáp ứng kịp với yêu cầu đặt ra.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết Bộ Tài chính luôn nhận thức sâu sắc vai trò của PBGDPL trong công tác của ngành. Thời gian qua, Ban Cán sự đảng Bộ rất quan tâm đến công tác PBGDPL, hàng năm đều có chương trình kế hoạch cụ thể. Bộ cũng đã đổi mới các hình thức PBGDPL để nâng cao hiệu quả công tác này.
Ở địa phương, nhiều hình thức PBGDPL đã được triển khai bằng nhiều mô hình hay, hiệu quả. Thứ trưởng Thành Hưng mong muốn Hội đồng phối hợp PBGDPL xây dựng định hướng lớn hằng năm làm cơ sở cho các Bộ, ngành triển khai; khẩn trương sửa đổi Nghị định 55 về công tác pháp chế; tăng cường hơn công tác đào tạo báo cáo viên pháp luật cho các bộ, ngành.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao công tác PBGDPL của Bộ Tài chính.
Bộ đã có nhiều cách làm sáng tạo trong triển khai thực hiện, thường xuyên kiện toàn Hội đồng PBGDPL; hàng năm đều ban hành kế hoạch làm căn cứ cho các đơn vị, địa phương triển khai.
Công tác PBGDPL của Bộ Tài chính gắn liền với công tác chuyên môn, ngày càng đi vào chiều sâu. Bộ đã chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ liên quan xây dựng thể chế cũng như bảo đảm cơ chế tài chính PBGDPL.
“Các kết quả này đóng góp vào thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ ngành tài chính và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”, ông Nguyễn Thanh Tịnh nói.
Thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm lãnh đạo thực hiện các văn bản về PBGDPL. Là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, những lĩnh vực quan trọng gắn liền phát triển KTXH của đất nước và đời sống người dân doanh nghiệp, do đó Bộ cần quan tâm tổ chức thực hiện tốt Đề án về truyền thông chính sách.
Vụ Pháp chế và các đơn vị tham mưu cố gắng 100% dự thảo văn bản đều được truyền thông từ sớm từ xa để người dân tham gia vào xây dựng chính sách và cũng là giải pháp nâng cao chất lượng văn bản; phát huy vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan truyền thông, để văn bản đi vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt các quy định được giao trong Luật PBGDPL và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật. Tăng cường công tác phối hợp trong hoạt động PBGDPL giữa các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và giữa Bộ Tài chính với các bộ, ngành, cơ quan báo chí, truyền thông; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị của Bộ Tư pháp và các sở, ban, ngành liên quan ở địa phương tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương, Hội đồng cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL về lĩnh vực quản lý.
Với tính chất của là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, gắn trực tiếp với đời sống của người dân, doanh nghiệp, vì vậy, những dự thảo chính sách pháp luật do Bộ tham mưu ban hành cần được tăng cường truyền thông từ sớm, từ xa, xuyên suốt trong toàn bộ quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, Bộ cần ban hành và thực hiện kế hoạch truyền thông theo Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027" nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp ngay từ khâu dự thảo, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện khi chính sách được ban hành.
Ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" theo Quyết định số 977 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, tổ chức cung cấp thông tin pháp luật, PBGDPL, tư vấn pháp luật về lĩnh vực được giao quản lý để tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời, quan tâm xây dựng mô hình hay, cách làm hiệu quả, đa dạng, đổi mới hình thức, biện pháp PBGDPL theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, trong đó chú trọng việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu thông tin PBGDPL của đối tượng./.
Lê Sơn