Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ.
Cùng dự hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và dự kiến bế mạc vào chiều 15/11/2022, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21 ngày, giảm 2 ngày so với dự kiến trước đây.
Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 7 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến về 7 dự án luật khác; đồng thời, xem xét các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét báo cáo của một số cơ quan; tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021"; xem xét, quyết định về nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là kỳ họp cuối năm nên khối lượng công việc rất lớn, với yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ hoàn thành. Ngay sau Kỳ họp thứ ba, Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực chuẩn bị các nội dung. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức nhiều phiên họp, trong đó có 2 phiên họp chuyên đề pháp luật; tổ chức nhiều cuộc làm việc với các cơ quan hữu quan, các chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động của các chính sách, đặc biệt đã tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022...
Đến nay, mọi công việc cần thiết chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư đã cơ bản hoàn tất, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các cơ quan cần tập trung cao độ, khẩn trương rà soát kỹ lưỡng và hoàn thiện các bước cuối cùng để các nội dung trình Quốc hội bảo đảm chất lượng cao nhất.
Tại hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã báo cáo cụ thể các vấn đề liên quan đến tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư. Báo cáo thêm về một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà... trân trọng cảm ơn sự đồng hành sát sao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với Chính phủ, các bộ, ngành thời gian qua, đặc biệt là những đổi mới, sự chủ động, khẩn trương, từ sớm từ xa của Quốc hội trong việc xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế - xã hội... Trong đó, với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cùng với sự chuẩn bị của Chính phủ, bản dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư tới đã có sự đóng góp hết sức quan trọng, sâu sắc của lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, nhiều nội dung được bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ đánh giá rất cao những đổi mới của Quốc hội trong thời gian qua. Thủ tướng chia sẻ vừa đi tiếp xúc cử tri tại Cần Thơ, cử tri cũng đánh giá rất cao sự đổi mới liên tục của Quốc hội trên cơ sở bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội. Những vấn đề quan trọng của đất nước nổi lên đều được Quốc hội quan tâm, thảo luận, quyết định ngay, cách làm rất khoa học, tạo được sự đồng thuận chung. Giám sát tối cao của Quốc hội có nhiều đổi mới, giám sát song hành với quá trình triển khai thực hiện nên đã tháo gỡ ngay nhiều vấn đề vướng mắc như giám sát về quy hoạch, về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực chống dịch COVID-19. Các phiên chất vấn được tiến hành theo hướng vừa chất vấn vừa đưa ra giải pháp... Theo Thủ tướng, khi Quốc hội đổi mới thì các cơ quan liên quan cũng phải đổi mới, do đó, đổi mới đồng bộ, toàn diện cả hệ thống chính trị.
Nhất trí với dự kiến chương trình Kỳ họp thứ tư được Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, các nội dung sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đã được bàn bạc kỹ lưỡng, thống nhất cao, nhất là những vấn đề khó, phức tạp còn ý kiến khác nhau. Các bộ, ngành đã phối hợp với các ủy ban của Quốc hội trên tinh thần trách nhiệm, tích cực, thẳng thắn. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm vừa qua, đặc biệt là sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ nhưng đồng thời vẫn bảo đảm nguyên tắc "đúng vai, thuộc bài". Điều này không chỉ làm cho khối lượng công việc tại mỗi kỳ họp nhiều lên nhưng thời gian họp ngắn đi, chất lượng các nội dung trình Quốc hội được nâng lên mà còn làm cho cử tri và nhân dân thấy yên tâm và tin tưởng.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, đề xuất của Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng để tiếp tục hoàn thiện dự kiến chương trình Kỳ họp thứ tư, có sự điều chỉnh linh hoạt trong quá trình điều hành từng phiên họp cụ thể. Riêng với Quy hoạch tổng thể quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo Chính phủ khẩn trương chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng kết luận của Hội nghị Trung ương để xây dựng dự thảo Quy hoạch có chất lượng và tính khả thi cao, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra để trình Quốc hội xem xét, quyết định trong năm nay.
Theo Đại biểu nhân dân