• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Hơn 9,1 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới

(Chinhphu.vn) - Theo số liệu cập nhật trên trang Worldometers tính đến 9h30' sáng ngày 23/6, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới là 9.187.258 trường hợp, trong đó 474.307 trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 4.937.181 trường hợp.

23/06/2020 10:17
Mỹ và Brazil tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh. Theo Worldometers, tới thời điểm này, Mỹ ghi nhận tới 2.388.153 ca mắc COVID-19, tăng 31.496 trường hợp trong 24 giờ và 122.610 ca tử vong, thêm 363 trường hợp mới trong 24 giờ.

Brazil theo sát với 1.111.348 ca mắc (tăng 24.358 ca sau 24 giờ) và 51.407 ca tử vong (thêm 748 ca mới sau 24 giờ). Mặc dù vậy, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 22/6 khẳng định, phản ứng của thế giới đối với những hậu quả do đại dịch COVID-19 gây ra là quá “phóng đại”, đồng thời tiếp tục bảo vệ quan điểm thúc đẩy mở cửa trở lại các trung tâm thương mại và khôi phục những hoạt động bị đình chỉ bởi các biện pháp giãn cách xã hội.

Tổng thống Bolsonaro khẳng định, nhiệm vụ cấp thiết là nối lại các hoạt động thương mại và tiến trình này cần phải được tăng tốc. Bởi theo ông, nền kinh tế ảnh hưởng đến mọi mặt và nếu nền kinh tế Brazil không hoạt động, người dân nước này sẽ phải gánh chịu hậu quả, bắt đầu từ những người có thu nhập thấp. Ông Bolsonaro cũng cho rằng, không thể để cho các biện pháp xử lý đại dịch gây hại nhiều hơn chính đại dịch.

Theo ước tính của các nhà kinh tế học, những tác động kinh tế từ đại dịch COVID-19 có nguy cơ đẩy Brazil rơi vào thời kỳ suy thoái lớn nhất trong lịch sử, với việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) suy giảm 6,5% và hàng triệu người mất việc làm.

Đáng chú ý, tình trạng lây lan COVID-19 đang được báo động tại các cộng đồng thổ dân Mỹ Latinh. Trong tổng số hơn 800 dân tộc thổ dân bản địa tại khu vực Mỹ Latinh, ít nhất 163 dân tộc đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 với hơn 800 ca tử vong tính tới trung tuần tháng này. Đây là nội dung được đề cập trong một báo cáo được Liên hiệp Thổ dân khu vực Mỹ Latinh (PIR) đưa ra ngày 22/6.

Bà Myrna Cuningham, Chủ tịch Trung tâm Quan sát về các dân tộc thổ dân, thuộc PIR, nhấn mạnh báo cáo trên cho thấy mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 đối với các cộng đồng thiểu số này, thậm chí một vài trong số đó đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Tại châu Âu, Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) thông báo chỉ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Đức đã tăng vọt vào những ngày cuối tuần, vượt quá mức cần thiết để khống chế được dịch bệnh về lâu dài. Số liệu của RKI cho thấy chỉ số lây nhiễm trung bình trong 4 ngày qua ở Đức đã tăng lên mức 2,88, trong khi chỉ số trung bình 7 ngày tăng lên mức 2,03. Để khống chế được dịch bệnh, Đức cần chỉ số lây nhiễm ở mức dưới 1. Chỉ số 2,88 nghĩa là cứ 100 người nhiễm virus sẽ có thêm 288 người nhiễm. 

Văn phòng Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết dịch COVID-19 đang lây lan nhanh hơn trong vòng 10 ngày qua tại Guyana, vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp và chính phủ không loại trừ khả năng áp đặt lệnh phong tỏa mới tại đây. Thông báo cũng nêu rõ Chính phủ Pháp sẽ tăng cường thêm nhiều nguồn lực nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh tại vùng lãnh thổ Guyana.

Pháp đã từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 11/5 và bước vào giai đoạn mới dỡ bỏ phong tỏa kể từ ngày 22/6. Theo đó, các rạp chiếu phim, sòng bài sẽ mở cửa trở lại. Các sự kiện thể thao thu hút không quá 5.000 người tham dự sẽ được phép tổ chức.

Trong khi đó, Australia đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 đợt 2 sau khi bang Victoria,  tiểu bang đông dân thứ 2 của nước này, ghi nhận 116 ca bệnh mới chỉ trong vòng một tuần qua.

Sáng 22/6, Bộ trưởng Y tế bang Victoria Jenny Mikakos tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn bang này thêm 4 tuần, đến ngày 19/7. Trước đó, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews ngày 21/6 thông báo tái áp đặt một số biện pháp hạn chế xã hội tại bang này.

Giám đốc Cơ quan Y tế Australia Brendan Murphy cho biết số ca nhiễm mới virus SAR-CoV-2 tại bang Victoria trong một tuần qua chiếm tới 83% tổng số ca nhiễm mới trên toàn Australia. Ông Murphy cảnh báo người dân không nên đến các khu vực “điểm nóng” tại bang Victoria, đồng thời nâng cao nhận thức về dịch bệnh, tuân thủ các yêu cầu giãn cách xã hội, cũng như thay đổi thói quen sinh hoạt phù hợp với tình hình hiện tại.

Hiện mới chỉ có 3 trong 7 tiểu bang của Australia mở cửa ranh giới đi lại trong nước. Các tiểu bang khác có kế hoạch mở cửa trở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến các ca mắc mới tại bang Victoria khiến chính quyền các tiểu bang còn lại phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.

Tại châu Á, sau Trung Quốc, các nước như Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản dễ gặp phải làn sóng thứ 2 của COVID-19. Các chuyên gia cho rằng Đông Á đã có sự chuẩn bị tốt, ứng phó nhanh chóng hơn sau bài học từ đợt dịch đầu tiên, nhưng thách thức vẫn còn, đặc biệt là trong việc duy trì cảnh giác, bảo đảm các cụm dịch nhỏ không phát triển thành ổ lây nhiễm lớn hơn, không thể kiểm soát nổi.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) xác nhận nước này đã rơi vào làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 và kêu gọi nâng cao cảnh giác đối với nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

KCDC cho biết Hàn Quốc ngày 22/6 ghi nhận thêm 17 ca nhiễm mới, gồm 11 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm lên 12.438 người. Số ca nhiễm mới trong ngày 22/6 đánh dấu mức thấp nhất trong gần một tháng chủ yếu do xét nghiệm ít hơn trong dịp cuối tuần. Trước đó, ngày 20 và 21/6, nước này lần lượt ghi nhận thêm 67 và 48 ca nhiễm mới trong ngày.

Tại Trung Quốc, ngày 22/6, chính quyền thủ đô Bắc Kinh thông báo đã triển khai chiến dịch tìm kiếm và xét nghiệm quy mô lớn tại các công trường của Bắc Kinh sau khi phát hiện 3 ca mắc COVID-19 tại 2 công trường của thành phố.

Đại diện Ủy ban Phát triển nông thôn - đô thị và nhà ở của thành phố Bắc Kinh thông báo nhà chức trách đã kiểm tra 435 dự án tại thành phố và phong tỏa 2 công trường ghi nhận các ca mắc COVID-19. Các cơ quan y tế cũng tiến hành xét nghiệm axit nucleic cho 1.622 người từng đến hoặc tiếp xúc với những người có liên quan đến ổ dịch chợ đầu mối Tân Phát Địa ở phía Tây Nam thủ đô. 

Trước đó cùng ngày, Ủy ban Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết ngày 21/6, thủ đô của Trung Quốc xác nhận thêm 9 ca COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó 5 ca không có triệu chứng của bệnh. Sau thời gian dài khống chế được dịch COVID-19, thành phố Bắc Kinh lại ghi nhận ca nhiễm mới đầu tiên hôm 11/6 vừa qua, liên quan chợ đầu mối Tân Phát Địa. Từ ngày 11-21/6, Bắc Kinh thông báo 236 ca được xác nhận lây nhiễm trong cộng đồng. 

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 22/6 thông báo nước này ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay, với 15.000 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Theo đó, tổng số ca mắc tại nước Nam Á này tăng lên hơn 425.000 ca, chỉ xếp sau Mỹ, Brazil và Nga. Tỷ lệ tử vong tại Ấn Độ duy trì mức thấp khi so với những nước có số lượng ca mắc tương tự, tuy nhiên giới chuyên gia y tế lo ngại các bệnh viện của nước này sẽ quá tải do số ca mắc tăng nhanh.

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn đang lây lan và tác động của nó sẽ còn tồn tại trong vài thập kỷ nữa. Đây là tuyên bố được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra trong tại hội nghị cấp cao trực tuyến ngày 22/6. 

Theo ông Ghebreyesus, đại dịch COVID-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế mà còn là cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội và ở nhiều nước là cuộc khủng hoảng chính trị. Mối đe dọa lớn nhất đối với thế giới không chỉ là virus SARS-CoV-2 mà là "sự thiếu vắng tinh thần đoàn kết và lãnh đạo toàn cầu". Người đứng đầu WHO cho rằng không thể chiến thắng đại dịch với một thế giới chia rẽ và việc chính trị hóa đại dịch đã góp phần làm dịch bệnh lây lan mạnh hơn, đồng thời khẳng định "không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi tất cả chúng ta được an toàn".

Trước đó, WHO cảnh báo giai đoạn mới và nguy hiểm của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh nhiều nước đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa bất chấp sự lây lan nhanh của dịch bệnh.
BT