Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo các nguồn tin trên, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ đã giải thích với giới chức Nhật Bản về phương án trên khi hai bên gặp nhau trong tháng 4, đồng thời lưu ý rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thể hiện lập trường này với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Quan chức này nói rõ rằng chỉ có 2 phương án đối phó với Triều Tiên. Một là Trung Quốc tăng cường sức ép, hai là Mỹ phải tấn công quân sự.
Cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cho biết Tổng thống Trump đã đưa Triều Tiên vào diện "chú ý rõ ràng" rằng ông sẽ không dung thứ các hành động của nước này.
Trước đó, trên trang Twitter, ông Trump tuyên bố: "Triều Tiên đang tìm kiếm rắc rối. Nếu Trung Quốc quyết định giúp đỡ (Mỹ), điều đó sẽ rất tốt. Nếu không chúng ta sẽ giải quyết vấn đề mà không cần có họ".
Được hỏi về tuyên bố này của Tổng thống, ông Spicer cho biết: "Tổng thống đã làm rõ với Triều Tiên rằng các hành động của họ liên quan đến việc phóng tên lửa là không thể dung thứ".
Các nguồn tin cho biết thêm, những tuyên bố từ phía quan chức Mỹ đã khiến Chính phủ Nhật Bản nghiêng về quan điểm rằng một cuộc tấn công quân sự ngày càng trở thành phương án thực tế đối với Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, truyền thông nhà nước Triều Tiên cảnh báo rằng nước này sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về sự gây hấn, sau khi một đội tàu tấn công của hải quân Mỹ tiến về vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên, nêu rõ quân đội nước này đang theo dõi chặt chẽ tất cả các động thái từ các nhân tố thù địch và nhấn mạnh "lực lượng hạt nhân của chúng ta tập trung vào các căn cứ Mỹ không chỉ ở Hàn Quốc và Thái Bình Dương mà còn ở cả lục địa Mỹ".