Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường Việt Nam. Ảnh VGP |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho rằng: Việc bỏ phạt kết hôn đồng giới ra khỏi dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình... đồng thời, đề xuất cho phép kết hôn đồng giới là một bước đi phù hợp với xu thế trên thế giới cũng như những biến chuyển gần đây trong xã hội Việt Nam.
Tín hiệu tốt cho cộng đồng người đồng tính
Theo ông Bình, đề xuất trên mang lại 4 điều tốt: Thứ nhất, Luật Hôn nhân và Gia đình 2000 đang cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính, trên thực tế cũng chưa có trường hợp kết hôn giữa hai người cùng giới tính (được hiểu là có giấy đăng ký kết hôn do UBND phường/xã sở tại cấp). Cho nên, việc quy định xử phạt hôn nhân đồng tính là không cần thiết, bởi việc xử phạt này sẽ không bao giờ được thực hiện, vì phạt một điều không xảy ra trên thực tế. Nói cách khác, điều phạt này không có tác dụng điều chỉnh xã hội.
Thứ hai, việc bỏ quy định phạt sẽ phù hợp với nguyên tắc sửa Luật Hôn nhân và Gia đình mà Bộ Tư pháp đang áp dụng, đó là “tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bảo vệ bà mẹ, trẻ em và những người yếu thế khác.”
Thứ ba, việc bỏ quy định phạt kết hôn đồng tính đã gửi đi một tín hiệu tốt cho cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới, rằng họ cũng là công dân Việt Nam, và quyền bình đẳng của họ đang được xem xét và bảo vệ. Ngoài ra, việc bỏ phạt cũng là tín hiệu tốt cho xã hội và gia đình để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử, thậm chí là bạo lực với người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Thứ tư, việc này cũng thể hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người của tất cả mọi người.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 vừa qua, lần đầu tiên, nhiều cơ quan nhà nước như Bộ Y Tế, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM, và UBND một số tỉnh đã công khai ủng hộ quyền kết hôn bình đẳng cho người đồng tính. Tuy còn những băn khoăn, nhưng nhiều cơ quan như: Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND nhiều tỉnh đã đề nghị bỏ điều cấm kết hôn cùng giới, đồng thời đề xuất bổ sung quy định giải quyết hậu quả pháp lý đối với các cặp đôi cùng giới sống chung.
Bình luận về sự kiện này, ông Bình cho rằng, đây thực sự là một tín hiệu vui, một bước tiến lớn đến việc bảo vệ quyền bình đẳng cho người đồng tính và song tính trong hôn nhân và gia đình. Việc các cơ quan nhà nước công khai quan điểm ủng hộ của mình chứng tỏ việc bảo vệ quyền con người của người đồng tính đã được nhà nước thực sự quan tâm. Việc này, ngoài tác dụng định hướng cho việc sửa luật, còn định hướng cho thái độ và hành vi của xã hội với người đồng tính và gia đình họ.
![]() |
Một đám cưới đồng giới ở Đài Loan. Ảnh minh họa |
Trao yêu thương chính là thuần phong mỹ tục
Tất nhiên, vì hôn nhân cùng giới đang còn rất mới ở Việt Nam nên việc có những ý kiến chưa ủng hộ là điều dễ hiểu. Các lý do đưa ra thường là “thời gian chưa thích hợp” hoặc “trái với thuần phong mỹ tục” hay “ảnh hưởng xấu đến giá trị gia đình.” Theo ông Bình, chấp nhận những điều tốt đẹp, ở đây là bảo vệ quyền bình đẳng, quyền yêu thương và quyền mưu cầu hạnh phúc, thì không bao giờ là sớm cả. Nếu việc bảo vệ quyền của người đồng tính bị trì hoãn, thì sẽ vẫn còn định kiến kỳ thị, vẫn còn bạo lực và phân biệt đối xử với họ. Còn việc trao yêu thương, tôn trọng hạnh phúc của người khác, chính là thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Cũng theo ông Bình, về giá trị gia đình, chúng ta phải hiểu gia đình rất đa dạng. Chúng ta đã từng không thừa nhận gia đình có mẹ đơn thân, nhưng giờ chúng ta đã bảo vệ quyền bình đẳng của cả mẹ và trẻ trong những gia đình đơn thân này. Tương tự, gia đình có hai người bố hay hai người mẹ cũng chỉ là một hình thức gia đình khác, bên cạnh các gia đình có một bố và một mẹ, hay chỉ có một bố hoặc một mẹ. Điều này đã được coi là bình thường và đúng đắn ở nhiều nước trên thế giới.
Ông Bình cho biết, cá nhân ông đã chứng kiến nhiều người ban đầu rất phản đối hôn nhân cùng giới. Tuy nhiên, sau khi họ tìm hiểu thông tin, kiến thức và mở lòng với cộng đồng đồng tính thì họ đã thay đổi. Suy cho cùng, người đồng tính cũng là con người và quan hệ giữa hai người cũng là tình yêu, sự chia sẻ và mong muốn được hạnh phúc. Hơn nữa, người đồng tính có thể là bất kỳ ai, và không ai có thể nói rằng họ không có bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng hay hàng xóm là người đồng tính. Chính vì vậy, bảo vệ quyền của người đồng tính là bảo vệ quyền của những người thân yêu xung quanh mình. Ông Bình tin tưởng rằng, nhiều người phản đối cũng sẽ thay đổi khi họ có thông tin và được tiếp cận với người đồng tính.
Nhật Thy
Tin liên quan:
“Mang thai hộ” và “hôn nhân đồng tính” có cần luật hóa?
Hôn nhân đồng giới: Luật sư nói gì?
Hôn nhân đồng giới: Tiếng nói người trong cuộc