Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh Kiên Giang đề nghị cơ quan chức năng giải đáp, công tác rà phá bom mìn trong xây dựng công trình giao thông áp dụng loại hợp đồng nào?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Công tác rà phá bom, mìn, vật nổ các dự án đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định tại Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ, Quyết định số 96/2006/QĐ-TTg ngày 4/5/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 146/2007/TT-BQP ngày 11/9/2007 của Bộ Quốc phòng, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10299-1:2014 về khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10299-1:2014, các văn bản hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, công tác rà phá bom, mìn, vật nổ của dự án thường gồm các công việc: Khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công và dự toán; thi công rà phá bom, mìn, vật nổ.
Công tác khảo sát, lập phương án kỹ thuật thi công và dự toán rà phá bom, mìn, vật nổ có tính chất tương tự gói thầu tư vấn và thường có giá trị nhỏ, được thực hiện trong thời gian ngắn (từ 1 đến 3 tháng tùy theo quy mô dự án). Do vậy, gói thầu thực hiện công việc này có thể áp dụng loại hợp đồng trọn gói theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 62 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013.
Đối với công tác thi công rà phá bom, mìn, vật nổ thường bao gồm các hạng mục công việc có khối lượng cụ thế, tương tự các hạng mục công việc của gói thầu xây lắp của dự án.
Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 62 Luật Đấu thầu, hợp đồng trọn gói là loại hợp đồng cơ bản, đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn đơn giản, gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có quy mô nhỏ phải áp dụng hợp đồng trọn gói; khi đó, bên mời thầu chịu trách nhiệm về tính chính xác của số lượng, khối lượng công việc mời thầu.
Ngoài ra, theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 15 Nghi định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2018 của Chính phủ, hợp đồng trọn gói được áp dụng cho các gói thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết hợp đồng đã đủ điều kiện để xác định rõ về khối lượng và đơn giá để thực hiện các công việc theo đúng các yêu cầu của hợp đồng xây dựng; khi áp dụng hợp đồng trọn gói thì giá gói thầu, giá hợp đồng phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro liên quan đến giá hợp đồng như rủi ro về khối lượng, trượt giá trong thời gian thực hiện hợp đồng và mỗi bên phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro của mình.
Khi không đủ điều kiện áp dụng loại hợp đồng trọn gói theo các quy định trên, có thể xem xét áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định. Khi đó cần lưu ý để bảo đảm phù hợp các quy định sau:
- Khoản 2, Điều 62, Luật Đấu thầu: Hợp đồng theo đơn giá cố định là hợp đồng có đơn giá không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện đối với toàn bộ nội dung công việc trong hợp đồng. Nhà thầu được thanh toán theo số lượng, khối lượng công việc thực tế được nghiệm thu theo quy định trên cơ sở đơn giá cố định trong hợp đồng.
- Quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 15 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2018 của Chính phủ: Giá hợp đồng theo đơn giá cố định được áp dụng cho các gói thầu tại thời điểm lựa chọn nhà thầu và đàm phán ký kết hợp đồng đã đủ điều kiện để xác định rõ về đơn giá để thực hiện các công việc theo đúng các yêu cầu của hợp đồng xây dựng, nhưng chưa xác định được chính xác khối lượng công việc. Khi đó, đơn giá cho các công việc theo hợp đồng phải tính toán đầy đủ các yếu tố rủi ro liên quan đến giá hợp đồng như trượt giá trong thời gian thực hiện họp đồng và mỗi bên phải tự chịu trách nhiệm đối với các rủi ro của mình.
Căn cứ các nội dung trên, tùy theo yêu cầu về tiến độ thực hiện thi công rà phá bom, mìn, vật nổ của dự án, căn cứ dự toán được duyệt, có thể xem xét áp dụng loại hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định đối với gói thầu thực hiện công tác thi công rà phá bom, mìn, vật nổ.
Chinhphu.vn