Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hủ tục trong lễ hội cổ truyền - Mã văn hóa
Trò chơi bắt chạch trong chum tiến hành tại lễ hội mở vào ngày 6 tháng giêng hằng năm ở làng Văn Trưng (Kẻ Dưng), xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Hội làng La Khê (Thanh Oai, Hà Tây) mở vào ngày 6 và 7 tháng giêng thờ vị thành hoàng xưa vốn là kẻ trộm cướp. Đêm rã đám đèn tắt, trai gái tha hồ sờ soạng nhau, không bị phản đối. Dân gian có câu: ''Bơi Đăm, rước Giá, Hội Thầy, Vui thì vui vậy, chẳng tầy rã đám làng La''.
Làng Niệm Thượng (Bắc Ninh) thờ thần ăn cướp cũng có tục này cho trai gái đùa vui, cả làng reo hò đuổi theo người đội xôi cúng của các giáp. Làng Và, xã Đan Nhiễm (Hà Tây) thờ Thần hổ. Đêm tế thần, đèn tắt, một người đội lốt hổ vồ cô hát ả đào, cánh đàn ông noi theo nhảy ra ôm các cô gái. Sau đó đèn lại thắp sáng. Tục tắt đèn còn được diễn ra tại làng Ngô Xá, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, vào các ngày 11/3 (Xuân tế) và 18/9 (Thu tế). Trong cuộc tế có hát ả đào thờ thần, đốt pháo... Đang vui chơi, đèn nến tắt hết, một hồi lâu...
Tại xã Đan Nhiễm cùng tỉnh có tục tắt đèn, vào tháng giêng, nhưng kỳ lạ hơn. Đêm rã đám, đang khi cô hát ả đào cao giọng thì… đèn tắt. Vị kỳ mục trong làng giả bộ làm cọp nhe răng như dọa nạt đám trẻ... Lễ hội Ông Đùng bà Đà làng Đông An, Hưng Yên, mở từ 6 đến 10 tháng Ba âm lịch, cũng có tục tắt đèn.
Đó là những tập tục và lễ hội phồn thực tượng trưng cho sự giao hòa âm dương, đất và trời, biểu hiện ước vọng sinh sôi nẩy nở của con người, vật nuôi và mùa màng. Sự tồn tại của những cổ tục này có thể đã lạc hậu so với thời đại chúng ta nhưng đang cần được giải mã một cách thấu đáo, bởi cổ tục không chỉ là thói quen bình thường, mà đã được duy trì qua nhiều thế hệ. Các cổ tục ra đời khi trình độ phát triển tộc người còn rất hoang sơ. Mọi thế lực bên ngoài đối với họ đều thần bí mà năng lực nhận thức lúc bấy giờ còn hạn chế chưa giúp họ tìm ra cách lí giải và nhờ đó họ có thể xử lí mọi tình huống xẩy ra. Có thể nói, điều đó đã được mã hóa trong các hiện tượng văn hóa của các thời đại và tồn tại trong vô thức cộng đồng.
Xin trở lại với việc đánh giá hành động của Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám (lấy xác Cám làm mắm rồi bỏ vào chĩnh gửi về cho mẹ Cám) với những tranh luận khá sôi nổi và lý thú.
Tác giả Bùi Văn Tiếng đã luận giải theo nhân cách luận rằng: “Đây là chỗ thiếu nhân văn nhất trong cách ứng xử nhân sinh của Tấm, nhưng lại là chỗ nhân văn hơn cả trong cách ứng xử nghệ thuật của tác giả Tấm Cám. Thì ra một người hiền dịu đến như Tấm vẫn có thể trở thành cực kỳ độc ác; vì thế, muốn tự hoàn thiện nhân cách, con người phải hết sức cảnh giác với nguy cơ tha hóa do những tác động của hoàn cảnh khách quan. Phải chăng đấy là bức thông điệp mà người nghệ sĩ dân gian xưa, thông qua cách ứng xử nghệ thuật độc đáo của Tấm Cám, muốn gửi tới các thế hệ mai sau?” (Bùi Văn Tiếng, 1996, tr. 24-25).
Còn tác giả Phạm Xuân Nguyên trong một bài viết nhan đề Đôi điều suy nghĩ về truyện Tấm Cám, đăng trên tạp chí Văn hóa dân gian số 2 năm 1994 thì viết: “Truyện Tấm Cám dạy trong nhà trường không nên cắt đoạn báo thù và cũng không nên lảng tránh chuyện đó... Thầy cô giáo phải giúp các em hiểu rõ tinh thần sự trả thù của Tấm” (Phạm Xuân Nguyên, 1994, tr. 50-52). Dễ nhận thấy là những người bảo vệ truyện Tấm Cám, bảo vệ hành động trừng phạt (hay trả thù) của cô Tấm, đã rất chú trọng đến việc phân tích con người Tấm với tư cách là một nhân vật văn học, một hình tượng nghệ thuật. Phạm Xuân Nguyên đã coi hành động của nhân vật này là một biểu trưng nghệ thuật. Hay nói cách khác, mô típ văn học dân gian là một mã văn hóa.
Truyện cổ tích là sản phẩm của trí tưởng tượng-bịa đặt ngụ ý một điều sâu xa. Tuy nhiên, cốt truyện của truyện cổ tích là sự kết hợp của hai loại mô típ: Mô típ sinh hoạt xã hội và mô típ cổ xưa - hai mã văn hóa thần kỳ và thế sự. Ở chừng mực nào đó, đoạn kết Tấm trả thù phản ánh cấu trúc này.
Chúng tôi tiếp cận theo hướng này dưới góc nhìn toàn bộ lễ hội cổ truyền là một hệ mã văn hóa của hiện tượng nghệ thuật. Mọi mã văn hóa nằm trong một thể thống nhất. Sự trả thù hay tục hiến sinh của các tộc người thời cổ đại đều mang tính dã man. Đó là sự kết hợp mã cổ xưa (chúng tôi gọi là mã thần kỳ) và mã sinh hoạt xã hội (mã thế sự).
Các nền văn minh sau đã có nhiều thay đổi nhưng mã văn hóa cổ xưa này còn lưu giữ. Trong mọi tình huống tiếp nhận, ngay cả trong điều kiện tối ưu nhất thì vẫn luôn luôn có một “khoảng cách thẩm mỹ” giữa mã của người gửi với mã của người nhận, giữa tầm đón nhận của chúng ta ngày nay với những thông điệp đã được mã hóa trong các cổ tục của cha ông. Vấn đề của chúng ta ngày nay là làm sao cho khoảng cách thẩm mỹ không được vượt quá “ngưỡng” của người tiếp nhận, để mã của người xưa gửi lại và mã của người nhận hôm nay duy trì được mức độ tương thích cần thiết thì hiện tượng văn hóa ấy sẽ tạo được hiệu ứng thẩm mỹ, thậm chí sẽ không bị người đời sau chối từ vì phản cảm. Cộng đồng xã hội ngày nay sẽ cùng nhau giải mã các cổ tục trong các lễ hội để nhận ra được những giá trị lịch sử và tác động tích cực của chúng đối với cuộc sống hiện thực của chúng ta ngày nay.
Hủ tục trong lễ hội cổ truyền - Biểu tượng hóa
Như đã nói trong bài trước, lễ hội truyền thống trục chính là tính thiêng liêng và cao cả, có thể gọi là hoạt trường (field). Chính vì vậy, người ta cho rằng, tất cả những gì gắn với hoạt trường (field) này đều nhiễm tính thiêng cả. Ở đây cái thiêng đã bị cái dung tục khống chế khi người ta đem cái nguyện vọng đặt lên trên lòng thành kính, tính cao cả. Khi chỉ nghĩ tới đi lễ hội để cầu may bằng yếu tố bạo lực thì người ta đã trần tục hóa lễ hội. Lễ hội đang bị giải thiêng vì mất đí tính biểu tượng.
Nhà nhân học văn hóa người Mỹ Leslie White cho rằng, văn hoá tồn tại, phát triển phụ thuộc vào một "năng lực" chỉ riêng con người mới có - năng lực biểu tượng hoá... Quá trình biểu tượng hoá chính là quá trình văn hoá hóa đời sống của con người. Sự tượng trưng hoá đã tạo thêm một tầm vóc (dimension) mới vào cuộc sống của con người, một khi có sự biểu đạt những ý nghĩa mới thông qua hệ thống các biểu tượng. Một con vật nào đó đã được biểu tượng hoá để trở thành vật tổ (totem) của một bộ tộc nào đó trong tín ngưỡng cổ xưa. Năng lực biểu tượng hoá đã góp phần giúp chuyển hóa phần con (động vật) trong con người thật sự trở thành phần người trong con người. Thế giới biểu tượng hàm chứa trong nó những giá trị mang bản chất người và giúp chúng ta giải mã các hiện tượng văn hóa cổ xưa đồng thời giúp chúng ta ngày nay hóa giải các hủ tục còn lưu dấu trong các lễ hội cổ truyền.
Biểu tượng hóa lễ hội theo hướng chân, thiện, mỹ và thanh lọc là giải pháp tích cực nhất cho xu hướng thương mại và thế tục hóa và đẩy lùi hủ tục trong lễ hội cổ truyền và các loại lễ ngoại nhập như lễ hội tình nhân Valentine hiện nay. Trong lúc chúng ta có cặp đôi thần tình yêu Tiên Dung-Chử Đồng Tử đẹp tuyệt vời vừa cổ xưa vừa hiện đại.
PGS. TS. Nguyễn Tri Nguyên