Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội giải đáp ông Văn như sau:
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Điều kiện kết hôn, trường hợp cấm kết hôn, việc đăng ký kết hôn được quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.
Nam nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
- Nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên.
- Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở.
Những trường hợp cấm kết hôn
Việc kết hôn bị cấm trong những trường hợp sau đây:
- Người đang có vợ hoặc có chồng.
- Người mất năng lực hành vi dân sự.
- Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.
- Giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
- Giữa những người cùng giới tính.
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan đăng ký kết hôn thực hiện theo nghi thức như sau: Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn, yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện UBND cấp xã trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên. Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định này đều không có giá trị pháp lý.
Trường hợp ông Thạch Văn là người mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nay ông muốn kết hôn với người cùng cảnh ngộ cũng phải đủ điều kiện kết hôn và thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên kết hôn.
Luật sư Lê Văn Đài
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.