Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khách hàng của Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam là một tập đoàn gồm nhiều công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Các công ty này có trụ sở chính đặt tại Hà Nội và TPHCM, và có các chi nhánh tại các tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.
Khách hàng của Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam dự kiến sáp nhập tất cả các công ty nói trên với nhau để thuận lợi hơn trong việc quản lý và vận hành doanh nghiệp.
Căn cứ Khoản 2 và Khoản 5, Điều 195 Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 61 Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT, Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam hiểu rằng để đăng ký sáp nhập, công ty nhận sáp nhập sẽ nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật và sau khi công ty nhận sáp nhập được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các Phòng Đăng ký kinh doanh tại các tỉnh thành sẽ tự thực hiện việc chấm dứt sự tồn tại các chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của các công ty bị sáp nhập và chấm dứt sự tồn tại của các công ty bị sáp nhập đó.
Trên thực tế, các công ty bị sáp nhập trong tập đoàn của khách hàng Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam có tổng cộng gần 30 chi nhánh và địa điểm kinh doanh tại nhiều tỉnh thành khác nhau, do vậy nếu phải thực hiện việc chấm dứt hoạt động và đóng mã số thuế của từng chi nhánh và địa điểm kinh doanh trước khi thực hiện việc sáp nhập thì sẽ mất rất nhiều thời gian và chi phí, kéo dài quy trình sáp nhập và gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Do vậy, để thực hiện việc sáp nhập một cách nhanh chóng và hiệu quả, Công ty đề nghị cơ quan chức năng được hướng dẫn thêm về quy trình sáp nhập và cách hiểu của Công ty.
Trong trường hợp cách hiểu nêu trên chưa phù hợp với tinh thần của pháp luật, Công ty đề nghị được đưa ra hướng dẫn cụ thể hơn để doanh nghiệp có thể thực hiện việc sáp nhập theo đúng quy định.
Về thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, các công ty thực hiện sáp nhập đều là công ty TNHH một thành viên có 100% vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam. Các công ty này đều hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ trung tâm thể dục, thể hình và yoga. Sau khi hoàn tất sáp nhập, công ty nhận sáp nhập sẽ trở thành công ty TNHH hai thành viên trở lên có 100% vốn đầu tư nước ngoài (với vốn điều lệ tương đương với tổng vốn điều lệ của các công ty bị sáp nhập và công ty nhận sáp nhập), và các nhà đầu tư của các công ty bị sáp nhập sẽ trở thành các nhà đầu tư cũng như các thành viên của công ty nhận sáp nhập.
Mặc dù có sự thay đổi về số lượng nhà đầu tư cũng như số vốn điều lệ trong công ty nhận sáp nhập, tuy nhiên trong trường hợp này thực chất không có sự góp thêm vốn hay mua phần vốn góp trong công ty nhận sáp nhập.
Công ty Luật TNHH ACS Legal Việt Nam hiểu rằng các nhà đầu tư không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư 2014 trước khi tiến hành thủ tục sáp nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong trường hợp cách hiểu của Công ty chưa phù hợp với tinh thần của pháp luật, Công ty đề nghị cơ quan chức năng đưa ra hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện việc sáp nhập theo đúng quy định.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Khoản 1, Điều 195 Luật Doanh nghiệp quy định: “Một hoặc một số công ty (sau đây gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (sau đây gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập”.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục sáp nhập doanh nghiệp quy định tại Điều 195 Luật Doanh nghiệp.
Khoản 1, Khoản 3, Điều 61 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định:
“1. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày các công ty được chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính thực hiện chấm dứt tồn tại đối với các công ty này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
3. Trường hợp công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính công ty được chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập, Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty được chia, công ty hợp nhất, công ty nhận sáp nhập gửi thông tin cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập để thực hiện chấm dứt tồn tại đối với công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.
Khoản 3, Điều 7 Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 1/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Trước khi chấm dứt tồn tại của công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập theo quy định tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 61 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, Phòng Đăng ký kinh doanh thực hiện chấm dứt tồn tại tất cả chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty bị chia, công ty bị hợp nhất, công ty bị sáp nhập”.
Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
Khoản 2, Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên, cổ đông tại Cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật khác tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau:
“a) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
b) Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các Điểm a, b và c, Khoản 1, Điều 23 Luật Đầu tư nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế”.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật Đầu tư và Khoản 3, Điều 46 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.