Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Nguyễn Văn Quang (Hà Giang) hỏi, kinh phí cấp cho các đơn vị thực hiện chi chính sách cho học sinh theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp hạch toán theo mã nguồn 12 hoặc 15 (kinh phí không tự chủ), hay mã nguồn 14 (tương ứng với các khoản tính theo tiền lương cơ sở theo hướng dẫn tại Công văn 15602/KBNN-BTC ngày 17/11/2017 của Bộ Tài chính)?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điều 6 Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp quy định:
“1. Kinh phí thực hiện các chính sách quy định tại Quyết định này được cân đối trong dự toán chi ngân sách Nhà nước của lĩnh vực giáo dục, đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách Nhà nước.
2. Ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để thực hiện chính sách quy định tại Quyết định này”.
Tại Khoản 5 Mục II Phần A Công văn số 15602/BTC-KBNN ngày 17/11/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán dự toán, lệnh chi tiền ngân sách địa phương quy định:
“12 - Kinh phí không giao tự chủ, không giao khoán: Là kinh phí của cơ quan Nhà nước không thực hiện chế độ tự chủ; kinh phí không thực hiện tự chủ của cơ quan thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định; không bao gồm các khoản kinh phí được chi tiết theo mã tính chất nguồn kinh phí từ 14 đến 29.
13 - Kinh phí được giao tự chủ: Bao gồm kinh phí được giao tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan Nhà nước.
14 - Kinh phí thực hiện chính sách tiền lương: Bao gồm các nguồn kinh phí để thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản tính theo tiền lương cơ sở, bảo trợ xã hội.
Theo đó, mã nguồn 14 dùng để phản ánh nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương để xử lý cho nhu cầu tăng lương từ mức lương cơ sở hiện hành lên mức lương mới ngoài quỹ tiền lương. Đối với quỹ lương cơ bản theo mức tiền lương cơ sở hiện hành (gọi là Quỹ lương cơ bản theo biên chế được duyệt của cấp có thẩm quyền) hạch toán theo quyết định giao dự toán của cấp có thẩm quyền (không theo dõi vào tính chất nguồn kinh phí 14).
15 - Kinh phí không tự chủ được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9: Bao gồm các khoản dự toán kinh phí không tự chủ được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 năm thực hiện dự toán, không bao gồm các khoản bổ sung do các đơn vị dự toán cấp trên điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị dự toán trực thuộc.
Kinh phí không giao tự chủ, không giao khoán của cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 năm thực hiện dự toán (theo quy định tại Điều 64 Luật Ngân sách Nhà nước) được hạch toán vào tài khoản kinh phí không giao tự chủ, không giao khoán với tính chất chất nguồn 15”.
Tại Điểm 1 Mục IV Thông tư liên tịch số 23/2008/TTLT/BGDĐT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định:
“1. Khi có Quyết định của Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung của Nhà nước:
a) Đối với trường hợp học sinh, sinh viên thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Mục I của Thông tư này:
Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (đối với các cơ sở dạy nghề) có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu điều chỉnh mức học bổng chính sách của các đối tượng quy định tại Khoản 1 Mục I của Thông tư này, gửi về Sở Tài chính cùng với thời điểm gửi báo cáo về nhu cầu bổ sung kinh phí thực hiện cải cách tiền lương (Phụ lục III).
b) Đối với trường hợp học sinh, sinh viên; học viên thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Mục I của Thông tư này:
Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở giáo dục có đối tượng thụ hưởng học bổng chính sách, các cơ quan chủ quản của các đơn vị trực thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương và các cơ quan cấp tỉnh có trách nhiệm thẩm định và tổng hợp báo cáo nhu cầu thực hiện điều chỉnh mức học bổng chính sách của các đơn vị trực thuộc, gửi về Bộ Tài chính (đối với các cơ quan Trung ương) hoặc gửi Sở Tài chính (đối với cơ quan địa phương) cùng với thời điểm gửi báo cáo về nhu cầu bổ sung kinh phí thực hiện cải cách tiền lương (Phụ lục III)”.
Tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC ngày 16/6/2016 giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách nội trú quy định tại Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg quy định về phân bổ dự toán:
“Căn cứ quyết định giao dự toán ngân sách Nhà nước của Thủ tướng Chính phủ:
UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ kinh phí thực hiện chi trả học bổng chính sách và các khoản hỗ trợ khác cho học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trực thuộc, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đồng thời với thời điểm phân bổ dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục đào tạo địa phương theo chế độ quy định”.
Căn cứ theo các quy định nêu trên, nguồn kinh phí cho chính sách học bổng học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg được giao từ dự toán chi sự nghiệp giáo dục đào tạo, đơn vị dự toán rà soát để hạch toán vào các mã tính chất nguồn kinh phí (12, 13, 15) cho phù hợp.
Trường hợp khi có quyết định của Chính phủ về việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung của Nhà nước, nguồn kinh phí để thực hiện điều chỉnh mức học bổng đối với học sinh, sinh viên do điều chỉnh mức lương tối thiểu hiện hành lên mức lương mới ngoài quỹ tiền lương được phản ánh vào mã nguồn 14.