Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 5/6, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) về những giải pháp đột phá thu hút nguồn lực đầu tư, bên cạnh nâng cao số lượng cần nâng cao hơn nữa chất lượng của các thiết chế văn hóa cơ sở nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, điều mà đại biểu phản ánh rất đúng, các thiết chế được đầu tư, xây dựng ở đồng bào dân tộc không xây thì thiếu, nhưng xây rồi thì phải sử dụng thế nào cho hiệu quả, những bất cập này cần phải có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.
"Ví dụ như thiết chế văn hóa thuộc về tài sản công, Luật Quản lý tài sản công được thể hiện như thế nào, được khai thác ra sao thì cần được bàn rõ, liên kết cái gì để triển khai hoạt động.", Bộ trưởng nêu dẫn chứng.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện tổ chức thực hiện, nhất là phát huy hiệu quả đầu tư công của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền địa phương vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tập trung các nguồn lực, ngoài nguồn lực Nhà nước thì huy động thêm các nguồn lực khác để xây dựng, trong đó có nguồn lực nhân dân đồng thuận, để trở thành tài sản của nhân dân, có như vậy mới phát huy được tác dụng.
Đối với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề cập đến hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao đã làm mai một và biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu, quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên, Bộ có chính sách và khuyến cáo gì để vừa bảo tồn, phát huy được nét đẹp vừa giúp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số hội nhập với hiện đại.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, văn hóa của mỗi đồng bào có phong tục, tập quán và nét đẹp riêng. Vấn đề mà đại biểu nêu có thể là lợi dụng việc này, cố ý làm sai. Những ai lợi dụng việc đó để làm biến tướng thì cần phải xử lý.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất giải pháp là cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc biết tôn trọng, phát huy và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình từ phong tục, tập quán đến cách ứng xử. Đồng thời cần có chế tài để xử lý nghiêm minh việc lợi dụng vấn đề này, như vậy mới hạn chế, khắc phục được tình trạng lợi dụng trẻ em như đại biểu đề cập.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang) về giải pháp bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam khi hiện nay, một số sản phẩm du lịch có hiện tượng lai căng, sao chép đặc trưng của nước ngoài, mặc dù thu hút được một bộ phận khách du lịch và tạo ra lợi nhuận tuy nhiên về lâu dài sẽ tạo ra hệ lụy làm mất đi vẻ đẹp đặc trưng bản sắc dân tộc Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 82 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị 08, trong đó xác định: Sản phẩm du lịch độc đáo, môi trường du lịch văn minh, thân thiện, giá cả phải cạnh tranh và phải hợp tác, liên kết nhân dân để phát triển du lịch. Thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị trên, tình hình du lịch của nước ta đã được cải thiện trong 5 tháng đầu năm 2024 và có mức tăng trưởng nhất định. Bộ sản phẩm du lịch hiện được nhận diện và đang áp dụng là hướng đi đúng.
Như du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng và nhiều sản phẩm du lịch khác… đều là hướng đi đúng và phù hợp, một vài sản phẩm cá biệt thì sẽ được thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh trong thời gian tới. Nhưng chúng ta không nên quá khắt khe, bởi đây là sự giao lưu về văn hóa. Những gì tiến bộ, tinh hoa văn hóa nhân loại thì cần tiếp thu để bổ sung và làm giàu cho văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
Diệp Anh