Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thời gian qua, lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên cao và kéo dài; đồng thời, do ảnh hưởng của triều cường, mực nước hạ nguồn sông Cửu Long tại các trạm Mỹ Tho, Mỹ Thuận trên sông Tiền và sông Cần Thơ, sông Hậu đã đạt mức lịch sử. Mặc dù các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt vào cuộc, triển khai các biện pháp ứng phó và đã giảm thiểu được thiệt hại, song lũ và triều cường vẫn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là diện tích cây ăn trái, thủy sản, hệ thống đê bao, bờ bao.
Dự báo, từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 12/2018, khu vực hạ lưu sông Cửu Long tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt triều cường với mực nước tương đương và cao hơn mực nước triều cường lịch sử tại một số trạm đợt giữa tháng 10.
Để chủ động sẵn sàng ứng phó với tác động của lũ, triều cường, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng người dân, nhất là trẻ em, học sinh; tổ chức giao thông an toàn trên sông nước, duy trì các điểm cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh đuối nước, điện giật.
Huy động lực lượng quân đội, công an, các đoàn thể và lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh...; kịp thời cung cấp nước sạch, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn bị ngập lụt; đảm bảo các điều kiện y tế và tổ chức khám chữa bệnh cho nhân dân. Huy động các nguồn lực gia cố, sửa chữa, củng cố các tuyến đê bao, bờ bao, đường giao thông, cơ sở hạ tầng; tổ chức cắm biển cảnh báo, xử lý các sự cố sạt lở bờ sông, kênh, rạch, tăng cường rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố sạt lở có thể xảy ra khi nước rút. Chủ động tháo nước, bơm tiêu, chuẩn bị giống và các điều kiện để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân đảm bảo thời vụ... Chủ động huy động lực lượng tại chỗ và các nguồn lực của địa phương để gia cố đê bao, bờ bao.
Các tỉnh, thành phố vùng tác động của triều cường theo dõi chặt chẽ diễn biến triều cường, kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng, trũng, thấp, ven sông, kênh rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng người dân, phòng chống điện giật, đuối nước... tránh tình trạng chủ quan, nhất là tại các khu vực đông dân cư bị ngập nước; tổ chức cắm biển cảnh báo, phân luồng, hướng dẫn giao thông, duy trì các chốt cứu hộ cứu nạn tại các điểm xung yếu, sẵn sàng xử lý các tình huống tai nạn có thể xảy ra. Chủ động gia cố các khu vực có hệ thống đê bao, bờ bao thấp, không đảm bảo an toàn; tổ chức tuần tra canh gác, chuẩn bị, bố trị lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý ngay từ giờ đầu sự cố đê bao, bờ bao, sạt lở. Chủ động các phương án phòng chống ngập úng, vận hành các trạm bơm tiêu thoát nước, nhất là đối với khu dân cư, diện tích cây ăn trái, khu vực nuôi trồng thủy sản bị ngập...
Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị chức năng theo lĩnh vực tăng cường dự báo, nhận định diễn biến lũ, triều cường sát thực tế, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng và nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh; bảo đảm y tế, khám chữa bệnh, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh nhất là các bệnh liên quan đến mắt, đường ruột...
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin, tuyên truyền cảnh báo thiên tai, triều cường, công tác chỉ đạo, các biện pháp, kỹ năng ứng phó để người dân biết, chủ động phòng tránh.