Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đại diện EU và nước chủ nhà Luxembourg tuyên bố khai mạc Hội nghị ASEM 12. Ảnh: VOV |
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn của 53 thành viên ASEM, gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu (EU) cùng Ban Thư ký ASEAN. Thay mặt Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và An ninh kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Federica Mogherini nhấn mạnh, qua 19 năm hình thành và phát triển, ASEM tiếp tục khẳng định là diễn đàn đối thoại và hợp tác hàng đầu giữa hai châu lục Á-Âu, chiếm 60% dân số, GDP và thương mại thế giới.
Với chủ đề “Cùng hợp tác vì tương lai bền vững và an toàn”, Hội nghị năm nay là cơ hội để các thành viên trao đổi về các biện pháp cụ thể đẩy mạnh hợp tác trên cả 3 trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác, hướng tới kỷ niệm 20 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn ASEM vào năm 2016.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và những nỗ lực hướng tới thỏa thuận toàn cầu mới về biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 21 đem lại động lực mới cho phát triển bền vững và tự cường. Đây là lúc các thành viên ASEM cần hành động mạnh mẽ hơn, chung tay cùng cộng đồng quốc tế biến cam kết chính trị thành hành động cụ thể, thiết thực đáp ứng sự trông đợi của người dân và nâng tầm đóng góp của ASEM cho các nỗ lực toàn cầu.
Do đó, Trưởng đoàn Việt Nam đề xuất đối thoại và hợp tác ASEM cần gắn kết chặt chẽ với các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó chú trọng xóa đói nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, bình đẳng giới và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Trong triển khai, ASEM cần có tư duy mới và cách tiếp cận tổng thể, liên ngành, dài hạn gắn kết các sáng kiến, dự án và các Nhóm hợp tác chuyên ngành liên quan của ASEM. Việc triển khai định kỳ “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững” là sự thể hiện sinh động cách tiếp cận đúng hướng và tầm nhìn của ASEM.
Để đóng góp vào nỗ lực chung của ASEM, Việt Nam đề xuất sáng kiến mới tổ chức “Hội nghị ASEM về quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai: Sáng tạo và công nghệ vì phát triển bền vững, tự cường” tại Việt Nam năm 2016 và được nhiều thành viên ủng hộ, tham gia đồng sáng kiến.
Trưởng đoàn Việt Nam đề xuất ASEM cần phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các hoạt động, sáng kiến trong ASEM cũng như với các cơ chế khác, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững. Trong đó, cần thúc đẩy hỗ trợ các nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác tiểu vùng và khu vực của các thành viên ASEM, đặc biệt là hợp tác Mekong-Danube, khuyến khích sự chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công-tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch, nhân rộng các mô hình hợp tác giữa các địa phương.
Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định là một quốc gia cung ứng nông sản hàng đầu thế giới song lại nằm trong số 10 quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các thành viên ASEM khác, cam kết tiếp tục đóng góp vào mọi nỗ lực của ASEM nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai “vì một tương lai bền vững và an toàn”.
Hội nghị Bộ trưởng sẽ tiếp tục các hoạt động trong chiều ngày 5/11 và ngày 6/11, trong đó có các phiên họp về “Kết nối và tương lai ASEM” và “Các vấn đề quốc tế và khu vực”.
* Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 12, sáng 5/11, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam đã có các cuộc gặp song phương với Ngài Jonathan Taylor, Phó Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB); Đại sứ Zhang Yan, Giám đốc điều hành Quỹ ASEF; bà Dubravka Jlejic Markovic, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn Croatia.
Hoàng Lâm