Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông báo nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp là việc khó do thẩm quyền xử lý một số nội dung để thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông, lâm nghiệp vượt thẩm quyền của Chính phủ; liên quan tới nhiều địa phương, địa bàn, công ty nông, lâm nghiệp còn nhiều khó khăn về tài chính, an ninh trật tự….
Do vậy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, làm rõ những vấn đề, nội dung liên quan thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 30-NQ/TW và Kết luận số 82-KL/TW.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các cơ quan dự họp, khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 118/2014/NĐ-CP để thực hiện đầy đủ Kết luận số 82-KL/TW của Bộ Chính trị, trình Chính phủ trong tháng 7 năm 2023 theo quy định của pháp luật; trong đó cần lưu ý:
Quy định những nội dung cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp;
Quy định trách nhiệm, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phải tổng hợp, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành đối với những nội dung vượt thẩm quyền Chính phủ, thuộc thẩm quyền của Quốc hội để có cơ sở thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 30-NQ/TW, Kết luận số 82-KL/TW và Quyết định số 984/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
Đối với các nội dung về cơ chế tài chính phục vụ việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nông lâm trường (cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí ngân sách nhà nước…), cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan, để nghiên cứu, đánh giá cụ thể, đề xuất cơ chế xử lý, bảo đảm khả thi, công khai, minh bạch, công bằng, chặt chẽ, hiệu quả, không làm thất thoát tài sản Nhà nước, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, tham nhũng.