Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long báo cáo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Ngày 20/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, đã chủ trì phiên họp lần thứ 3 sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Theo báo cáo của Bộ KH&CN, 6 tháng đầu năm 2025, các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành 76/106 nhiệm vụ theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW.
Việc xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực và tài chính cho khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 16 dự án luật và 3 nghị quyết tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, 21 nghị định được ban hành, tập trung tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy các lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Danh mục công nghệ chiến lược quốc gia, gồm 11 nhóm công nghệ cốt lõi, như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bán dẫn, robot, an ninh mạng…
Đến nay, cả nước có 889 tổ chức nghiên cứu và 858 doanh nghiệp KHCN, với hơn 42.000 lao động. Cổng sáng kiến giải pháp KHCN và Sàn giao dịch KHCN quốc gia đã được khai trương, góp phần kết nối sáng kiến với thị trường.
Chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện trên các trụ cột: Hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Về hạ tầng số, tốc độ mạng di động và cố định của Việt Nam lần lượt đứng thứ 20 và 26 thế giới, tăng mạnh so với cuối năm 2024.
Cả nước hiện có 12.106 trạm 5G, tăng hơn 4.200 trạm chỉ trong 6 tháng đầu năm. Tới thời điểm hiện tại đã có thêm 2 tuyến cáp quang biển mới đi vào hoạt động, tăng gấp đôi dung lượng hệ thống cáp quang biển quốc tế của Việt Nam.
Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tháng 6/2025 là 39,51%, trong đó khối bộ đạt 51,19%, khối tỉnh đạt 15,21%. Văn phòng Chính phủ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai Cổng Dịch vụ công quốc gia trở thành điểm "một cửa số" tập trung quốc gia.
Về kinh tế số, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Việt Nam hiện có gần 76.000 doanh nghiệp công nghệ số, riêng tháng 5 đã có thêm 739 doanh nghiệp mới thành lập.
Tính đến hết tháng 6/2025, khoảng 20 triệu chứng thư chữ ký số đã được cấp (tăng gần 47% so với cuối năm 2024). Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt khoảng 33%, tăng 11 điểm phần trăm so với cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các bộ, ngành và địa phương.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long cho biết, đến nay, vẫn còn 30 nhiệm vụ quá hạn trong số 106 nhiệm vụ được giao. Việc đăng ký vốn triển khai Nghị quyết 57 còn dàn trải; thiếu nhiệm vụ ưu tiên về chuyển đổi số phục vụ chính quyền địa phương hai cấp; nhiều nhiệm vụ còn mang tính hình thức, không rõ đầu ra.
Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội được coi là "cú hích" chính sách để tạo đột phá về thể chế trong KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong 6 tháng qua, nhiều nội dung đã được triển khai, tuy nhiên, còn 11 bộ, ngành chưa đăng ký nhu cầu kinh phí để triển khai các nền tảng số quốc gia, nền tảng số dùng chung.
Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cho phép tập đoàn SpaceX thí điểm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại vẫn chưa hoàn tất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thành lập doanh nghiệp để tiến hành cấp phép viễn thông, chính thức đưa dịch vụ vào hoạt động.
Đối với thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi số giai đoạn đầu vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ KH&CN ghi nhận 25 nhóm vấn đề tồn tại về thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến tại các địa phương.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2025, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 286 nhiệm vụ, giải pháp. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ quá hạn, nghiêm túc thực hiện báo cáo tiến độ trên hệ thống điện tử, không để tồn đọng kéo dài.
Bộ KH&CN tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển công nghệ chiến lược và ngành công nghiệp nền tảng: Trong tháng 8/2025, phải xác định ít nhất 1-3 công nghệ và sản phẩm chiến lược có tính cấp thiết, có thể triển khai ngay và tạo tác động nhanh, lan tỏa trong thực tiễn.
Xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức KHCN theo hướng tinh gọn để tập trung nguồn lực đầu tư cho tổ chức KHCN mạnh, thông qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các tổ chức KHCN công lập.
Thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước: Phối hợp với Bộ GD&ĐT và Bộ Ngoại giao triển khai chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ then chốt.
Về chuyển đổi số, nhiệm vụ trọng tâm là phủ sóng vùng lõm, thúc đẩy nhanh mạng 5G. Trong đó, Tập đoàn VNPT khẩn trương hoàn thành cơ sở hạ tầng tại 238 thôn bản lõm sóng trước 31/8/2025 và phát sóng chậm nhất tại 238 thôn bản trong tuần thứ 2 tháng 9.
Đối với 117 thôn chưa có điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xây dựng phương án cung cấp điện; giao các doanh nghiệp viễn thông khảo sát, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ với phương án cung cấp điện. Hoàn thành trước ngày 30/11/2025.
Bộ KH&CN xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị quyết hỗ trợ chi phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho các doanh nghiệp đã triển khai.
Trong cải cách thủ tục hành chính, các bộ, ngành phải hoàn thành rà soát 1.139 thủ tục để cắt giảm hồ sơ;rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa và cung cấp toàn bộ các thủ tục hành chính (dịch vụ công trực tuyến) thuộc phạm vi quản lý thực hiện tại 2 cấp chính quyền địa phương theo mô hình triển khai tập trung, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hoàn thành toàn bộ việc cung cấp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia trước ngày 1/1/2026...
Thu Giang