Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tại tỉnh Lào Cai, theo thông tin từ cơ quan chức năng, tính đến 14h ngày 18/9, đã có 16 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được thông tuyến và hiện còn 8 đoạn, tuyến chưa thể thông đường.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, hầu hết các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn bị sạt lở, sụt lún, gây ách tắc giao thông. Cụ thể, mưa lớn đã khiến đoạn Quốc lộ 279 từ trung tâm huyện Bảo Yên đi xã Nghĩa Đô bị sạt lở nghiêm trọng. Sau nhiều ngày khắc phục, sáng 18/9, điểm sạt lở này đã được thông tuyến bước 1 để các phương tiện tải trọng lớn có thể lưu thông.
Hiện, đoạn Quốc lộ 279 (từ xã Bảo Hà đi thị trấn Phố Ràng, Bảo Yên) vẫn bị chia cắt giao thông do còn 2 điểm sạt lở lớn chưa thể khắc phục. Theo thông tin từ đơn vị bảo trì đường bộ, 2 điểm sạt lở lớn tại Km76+400 và Km78+650 đang diễn biến hết sức phức tạp, cung sạt lở lớn với khoảng 100.000 m3 đất, đá, bùn tràn. Ngành giao thông vận tải Lào Cai đang nghiên cứu phương án làm đường tránh tạm để đảm bảo giao thông tối thiểu 1 làn xe trong thời gian sớm nhất.
Những ngày qua, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở số 1 Phúc Khánh, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên đã đón học sinh quay trở lại trường sau những ngày tạm nghỉ để phòng, chống mưa, lũ. Đặc biệt, Trường đã đón 107 học sinh ở thôn Làng Nủ, nơi vừa trải qua trận lũ quét kinh hoàng, về trường chính để học và ở nội trú.
Để đảm bảo điều kiện ăn, ngủ cho học sinh thôn Làng Nủ, các giáo viên đã gấp rút cải tạo các phòng học ít sử dụng, phòng chức năng thành nơi ngủ. Một số phụ huynh cũng được trường huy động để chăm sóc, quản lý học sinh lần đầu xa nhà.
Hoàn lưu của bão số 3 khiến 25.000 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Yên Bái bị ngập và hư hỏng; hệ thống giao thông đường bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gần 1.600 điểm bị sạt lở, hàng chục cây cầu lớn nhỏ bị lũ cuốn trôi, nhất là tuyến đường giao thông cơ sở.
Điều này gây chia cắt, cô lập nhiều khu vực, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hàng vạn hộ dân. Sau khi nước rút, cùng sự nỗ lực khắc phục hậu quả của người dân và lực lượng hỗ trợ, đến nay, tại tỉnh Yên Bái không còn địa phương nào bị chia cắt, cô lập. Tuy nhiên, việc đi lại ở một số địa phương gặp nhiều khó khăn.
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái cho thấy, 15 phường, xã bị ngập trên địa bàn thành phố Yên Bái nước đã rút hoàn toàn; 12 xã bị cô lập do ngập nước của huyện Trấn Yên nay chỉ còn ngập cục bộ ở một vài nhà dân; 16 xã của huyện Lục Yên và 22 xã của huyện Yên Bình bị ngập, sạt lở đất nay nước đã rút hoàn toàn, giao thông tạm thời thông tuyến. Một số hộ bên bờ sông Chảy còn bị ngập ruộng vườn ở vị trí thấp do thủy điện Thác Bà tiếp tục xả lũ.
Khu vực các huyện phía tây của tỉnh Yên Bái do địa hình chia cắt bởi các suối, ngòi, núi cao, mưa kéo dài gây lũ ống, sạt lở đất ở nhiều điểm. Sau hơn một tuần khắc phục, đến nay, các địa phương không còn bị chia cắt, cô lập. Đặc biệt, đã khắc phục tạm thời 4 cây cầu vào xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu bị cuốn trôi, nhiều cây cầu và vị trí sạt lở khác được khắc phục tạm thời cho người, xe gắn máy lưu thông.
Hiện đã có gần 18.000 hộ quay về nhà sau khi nước rút và giảm nguy cơ sạt lở đất. Đối với 307 nhà bị sập đổ hoàn toàn đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân. Còn gần 21.500 hộ phải di dời người, tài sản do nguy cơ cao sạt lở đất, tỉnh Yên Bái bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình tại nhà văn hóa, trụ sở UBND xã và xen ghép vào những hộ không bị ảnh hưởng.
Cũng trong ngày 18/9, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tổ chức khởi công xây dựng Khu tái định cư mới xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành cho 6 hộ dân bị mất nhà ở hoàn toàn do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Khu vực tái định cư xóm Lũng Lỳ có diện tích khoảng 3.000 m2, cách nơi ở cũ của người dân bị sạt lở đất khoảng 300-500 m. Đây là khu vực có địa hình cao, rộng, an toàn, gần đường giao thông chính, thuận lợi bố trí hạ tầng, điện, nước…
Mỗi căn nhà trong Khu tái định cư có diện tích trên 60 m2, nhà cấp 4, mái lợp tôn chống nóng, đầy đủ hạng mục bếp, nhà vệ sinh. Địa phương phấn đấu đến ngày 30/10, Khu tái định cư sẽ hoàn thành và bàn giao cho người dân.
Vũ Phong