Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Đức cũng đề nghị thêm một số nội dung trong bản điện tử Giấy khai sinh như: Thông tin cá nhân (thông tin tư pháp cơ bản), số định danh cá nhân, nơi thường trú và nơi ở hiện tại của cha mẹ, gia đình người được khai sinh, nơi sinh, ảnh và sinh trắc học đối với ai vì lý do đặc biệt không thể đi làm Căn cước công dân mà muốn đăng ký khai sinh bản điện tử, thông tin về tiền án tiền sự, thông tin về khuyết tật...
Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời như sau:
Nhằm tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, phục vụ yêu cầu xây dựng Chính phủ số, công dân số, Thông tư số 01/2022/TT-BTP ngày 4/1/2022 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến (có hiệu lực từ ngày 18/2/2022) đã quy định "đón đầu" về việc cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch (trong đó có Giấy khai sinh) nếu người dân có yêu cầu.
Quy định này sẽ được thực hiện khi các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch trong cả nước hoàn thành xong việc số hóa Sổ hộ tịch, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử vận hành thống nhất, kết nối, khai thác được dữ liệu công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bản điện tử Giấy khai sinh nêu trên đã bao gồm đầy đủ các thông tin theo quy định của Luật Hộ tịch như: Thông tin của người được đăng ký khai sinh (họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch); thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh (họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú); số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Chinhphu.vn