Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đây là một nội dung được trao đổi tại Hội thảo "Phát triển Thị trường trái phiếu DN (TPDN) hướng tới chuyên nghiệp, bền vững" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 16/8, tại Hà Nội.
Theo Bộ Tài chính, trong nửa đầu năm, đã có 41 DN phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là dấu hiệu đáng mừng, cho thấy thị trường trái phiếu ấm dần. Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030. Theo đó, đặt mục tiêu dư nợ thị trường TPDN đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu này, theo ước tính của một số đơn vị, bình quân trong vòng 8 năm tới, mỗi năm Việt Nam phải có khoảng 370 nghìn tỷ đồng TPDN phát hành mới. Đây là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển của thị trường.
Số liệu thống kê của các cơ quan nghiên cứu cho thấy, nhiều quốc gia phát triển có thị trường trái phiếu đạt quy mô 50 - 70% GDP. Trong khi đó, Việt Nam tới cuối tháng 3/2024 có chưa tới 10% GDP. Theo mục tiêu phát triển TTTP được Chính phủ phê duyệt, quy mô thị trường đến 2025 đạt 20% GDP và đến 2030 đạt 30% GDP.
Ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển TTCK, UBCKNN: Từ cuối năm 2022, thị trường TPDN có nhiều biến động, liên tiếp nhiều vi phạm trên thị trường TPDN bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý khiến cho niềm tin của nhà đầu tư bị suy giảm, khối lượng phát hành trái phiếu cũng sụt giảm. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sửa đổi quy định pháp luật, tăng cường quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động trên thị trường TPDN riêng lẻ.
Với việc Hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ được đưa vào vận hành tại SGDCK giúp tăng thanh khoản cho thị trường, thúc đẩy thị trường TPDN phục hồi và hoạt động ổn định, đồng thời góp phần ổn định tâm lý và tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Sau một năm đi vào vận hành, tính đến thời điểm cuối tháng 7/2024, về quy mô thị trường, giá trị TPDN niêm yết đạt khoảng 773 nghìn tỷ đồng, với 1.043 mã trái phiếu của 264 tổ chức phát hành được ghi nhận trên hệ thống giao dịch TPDN của SGDCK Hà Nội...
Mặc dù vậy, thị trường vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Đó là tình hình tài chính không ổn định của một số tổ chức phát hành. Một số doanh nghiệp (DN) phát hành TPDN có tình hình tài chính không ổn định, thiếu minh bạch về thông tin tài chính. Điều này dẫn đến nguy cơ không trả được nợ khi đến hạn, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Các vụ việc DN vỡ nợ hoặc chậm trả lãi đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường. Mặc dù, cơ quan chức năng đã tăng cường công tác quản lý, giám sát trên thị trường, xử lý nghiêm minh những sai phạm như vụ việc ngân hàng SCB, Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Tân Hoàng Minh...tuy nhiên thị trường vẫn chưa thật sự hồi phục, thanh khoản chưa cải thiện nhiều, niềm tin nhà đầu tư vẫn còn suy giảm.
Việc cải thiện tính minh bạch, tăng cường quản lý và giám sát, cũng như nâng cao chất lượng tổ chức phát hành là những giải pháp cần thiết để khắc phục các tồn tại này. Chỉ khi đó, thị trường TPDN mới thực sự trở thành kênh huy động vốn hiệu quả và đáng tin cậy cho các DN Việt Nam, là kênh đầu tư hấp dẫn cho công chúng đầu tư.
"Đối với các giải pháp phát triển bền vững thị trường TPDN ở Việt Nam, tôi cho rằng cần tập trung thúc đẩy việc chào bán TPDN ra công chúng gắn với niêm yết; khuyến khích các DN phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm TPDN cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)...; vận hành thị trường thứ cấp TPDN riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, tính minh bạch của thị trường", ông Tô Trần Hòa nói.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng thị trường TPDN Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức và chúng cần nhận diện đầy đủ.
Vị chuyên gia này đề cập các giải pháp để phát triển, lành mạnh hóa thị trường TPDN Việt Nam: Trước tiên, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 là tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường TPDN.
Trong trung - dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế. Cần liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức thông qua nhiều giải pháp khác nhau; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường; việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.
Bản thân DN, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn; quan tâm quản lý rủi ro; chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị DN, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.
Về phía nhà đầu tư, cần trau dồi kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nhất là về các sản phẩm đầu tư, quy định của pháp luật về TTCK và thị trường TPDN, tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành; có thể thông qua nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, NHTM…) để có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc FiinRatings phân tích: DN Việt muốn đi ra nước ngoài huy động vốn thì buộc phải có xếp hạng tín nhiệm, không có quy định nhưng đó là thông lệ của thị trường thế giới hơn 100 năm nay. Việt Nam đang dần hình thành văn hoá xếp hạng tín nhiệm theo thông lệ này.
Tuy nhiên, hiện nay xếp hạng tín nhiệm chưa được đánh giá đúng mức tại thị trường Việt Nam. Có nhiều quỹ hưu trí, quỹ tương hỗ quan tâm đến thị trường trái phiếu Việt Nam nhưng không thể rót vốn do yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm.
Do vậy, muốn phát triển, thu hút được nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức thì hạ tầng chính (chính sách, khung pháp lý, minh bạch) quan trọng nhưng hạ tầng mềm (giao dịch trên sàn niêm yết) phải theo thông lệ quốc tế.
Kinh nghiệm các nước trên thế giới và thực tế Việt Nam không nên khuyến khích nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu riêng lẻ. Đây là kênh chúng ta phải nắn nếu không hậu quả lớn.
Trong năm 2023, chỉ 7% trái phiếu riêng lẻ được mua bởi nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhưng cho thấy thị trường trái phiếu Việt Nam đang quay trở lại một cách chậm rãi nhưng đi vào chiều sâu.
Kỳ vọng, triển vọng ngành xếp hạng tín nhiệm thời gian tới sẽ đến từ chính sách, nhu cầu tự thân của DN, mong muốn từ đơn vị tư vấn và sức ép của nhà đầu tư.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường TPDN nhấn mạnh: Mấu chốt là sự minh bạch. Đó là, xây dựng văn hóa minh bạch trên thị trường tài chính nói chung và TPDN nói riêng. Minh bạch có thể là văn hóa gốc, là nền tảng quyết định tính chuyên nghiệp, bền vững của cả nền kinh tế và thị trường.
Liên quan câu hỏi về việc đánh giá năng lực cung cấp dịch vụ liên quan xếp hạng tín nhiệm (XHTN), tôi nghĩ XHTN chỉ là cấu phần cần thiết song không phải duy nhất để tạo tính minh bạch.
Xếp hạng tín nhiệm là kinh nghiệm được minh chứng ở thị trường quốc tế. Nếu có hạ tầng về XHTN sẽ góp phần giúp tính minh bạch trở nên cao hơn, thị trường phát triển lành mạnh, thực chất hơn.
Để đánh giá về năng lực cung cấp dịch vụ XHTN, đã có Nghị định 88 cấp phép và yêu cầu vốn pháp định, năng lực. Nếu được cấp phép nghĩa là DN đủ năng lực thực hiện dịch vụ. Việc Nam hiện nay có 3 đơn vị XHTN được cấp phép là bình thường và phù hợp với thông lệ quốc tế...
Thực tế, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện XHTN bởi các tổ chức quốc tế. Chúng ta bổ sung thêm XHTN trong nước để tăng cường tính minh bạch. Bởi, các TCTD đủ nguồn lực để XHTN theo chuẩn quốc tế nhưng các tổ chức trong nước thì không đủ năng lực để trả chi phí cho các đơn vị quốc tế đó.
Do đó, việc có thêm XHTN trong nước, giúp thị trường có thêm công cụ để các DN hạng 2, hạng 3 có XHTN độc lập. Từ đó, giúp DN tham gia thị trường thuận lợi hơn.
Ông Hoàng Văn Thu, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết: Thông qua các vụ việc xảy ra trên thị trường, chúng ta đều mong muốn nâng cao chất lượng nhà đầu tư, trong đó hướng đến việc họ có kiến thức đánh giá rủi ro, hiểu biết về hoạt động của các DN. Do đó, việc điều chỉnh tiêu chuẩn của nhà đầu tư chuyên nghiệp trong Luật Chứng khoán năm 2019 là rất cấp bách.
Mặt khác, có thể cần xác định tiêu chuẩn nhà đầu tư tham gia TTCK không chỉ dựa trên giá trị giao dịch, thâm niên giao dịch, mà cần đề cập đến khả năng hiểu biết của họ về hoạt động DN.
UBCKNN sắp tới có hướng đến nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu) thông qua các quỹ, nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp. UBCKNN sẽ tăng cường hoạt động các quỹ, hoặc có thể cho mở thêm các quỹ. Chúng tôi kỳ vọng sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới đây và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Lãnh đạo UBCKNN cũng cho hay: UBCKNN đang sửa các quy định của pháp luật để rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ, giải pháp đưa ra là nâng cao chất lượng hồ sơ, tăng sự hiện diện của các tổ chức tư vấn, tăng trách nhiệm của tổ chức phát hành khi lập hồ sơ.
"Nếu để rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ và tăng chất lượng sản phẩm thì mỗi UBCKNN không làm được, cần phải đóng góp của mọi chủ thể tham gia, tuân thủ pháp luật để làm sao UBCK đúng nghĩa là đơn vị đăng ký thôi", ông Hoàng Văn Thu nói.
Anh Minh