• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

'Không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn'

(Chinhphu.vn) - “Kế hoạch phục hồi thị trường lao động cần được xây dựng cụ thể, lo lắng nhất là nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, cần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho đối tượng yếu thế, không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn”.

14/07/2021 15:22


Bộ LĐTB&XH sẽ xây dựng cụ thể kế hoạch phục hồi thị trường lao động. Ảnh: VGP
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg sáng 14/7 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động

Đánh giá về tình hình 6 tháng qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, tác động của dịch bệnh rất mạnh mẽ và sâu rộng. Đặc biệt, làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, TPHCM và các tỉnh lân cận.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/ nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Như vậy, so với quý I/2021, dịch COVID-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Sự bùng phát lần thứ tư của dịch COVID-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên cả nước vào tình trạng không có việc làm. Dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Lao động có việc làm quý II là 19,4 triệu người, giảm 1,32% so với quý I.

Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.

Theo Bộ trưởng, không chỉ có nguy cơ đứt chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, COVID-19 còn khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động trở nên hiện hữu.

"Đặc biệt, biến chủng mới đã xâm nhập vào 'thành trì' quan trọng nhất của chúng ta, đó là khu vực công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sử dụng lao động lớn. Đây là khu vực cơ bản, chiếm 3,8/11 triệu lao động trực tiếp trong cả nước", Bộ trưởng nêu ví dụ, đồng thời đánh giá: "Những tác động trên là vô cùng lớn. Điều này cho thấy vấn đề đời sống việc làm đặt ra những gánh nặng lớn trong bối cảnh hiện nay". 

Trong bối cảnh đó, việc ban hành Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 có ý nghĩa rất lớn.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XHĐào Ngọc Dung: Các bộ, ngành làm việc ngày đêm để triển khai Quyết định số 68. Ảnh: VGP
Làm việc ngày đêm để triển khai Nghị quyết số 68

Thông tin về việc triển khai Nghị quyết số 68, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, hầu hết các địa phương đã chủ động và tích cực triển khai Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23. Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành ở địa phương để tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy, UBND tỉnh, thành phố triển khai 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 68, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng.

Thống kê tới ngày 14/7, Bộ LĐTB&XH đã nhận được 33/63 văn bản cụ thể ban hành thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của các tỉnh, thành phố. Nhiều địa phương đã làm việc ngày đêm để ban hành ngay quyết định triển khai ngay. Trong đó, các địa phương đều hướng ưu tiên chú trọng thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.

Về thủ tục, Quyết định số 23 đã giảm thủ tục xét duyệt hỗ trợ từ 25 ngày xuống còn 5 ngày của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều thủ tục khác giảm từ 40 ngày xuống còn 7 ngày.

Nhiều tỉnh, thành phố và BHXH Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai nhanh, triển khai diện rộng trên toàn quốc sau vài ngày từ khi có Nghị quyết và Quyết định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ví dụ điển hình tại TPHCM, trong 3 ngày thực hiện Chỉ thị 16, Thành phố đã giải ngân khoảng 100 tỷ đồng. Việc giải ngân hỗ trợ cho 226.000 lao động tự do sẽ được hoàn thành trong ngày 15/7. Từ 15/7, TPHCM chuyển sang hỗ trợ người lao động có hợp đồng lao động. TPHCM yêu cầu người sử dụng lao động làm hồ sơ, thủ tục cho người lao động, các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong vòng 7 ngày, tiền hỗ trợ trả thẳng vào tài khoản cá nhân của người lao động. Dự kiến đến 30/7, việc hỗ trợ sẽ hoàn thiện.

Về các giải pháp để duy trì lực lượng lao động, bảo đảm sức khỏe cho người lao động, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ LĐTB&XH lưu ý các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc của người lao động, tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, góp phần tăng trưởng và giải quyết việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội đã ban hành, đặc biệt là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc và trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cứu trợ đột xuất. Đặc biệt, cần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản và cho đối tượng yếu thế; đảm bảo từng bước nâng cao đời sống người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trong khi thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19, không để dân thiếu ăn thiếu mặc, không bỏ sót người dân gặp khó khăn.

Thu Cúc