Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, đặc biệt là các hành vi gây ô nhiễm môi trường, buôn lậu, trốn thuế, sản xuất hàng giả, hàng cấm, trốn đóng bảo hiểm xã hội… xâm hại nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân và gây mất trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi này theo quy định của pháp luật hiện hành chưa đủ sức răn đe.
Phạt nặng để phòng ngừa
Nhiều doanh nghiệp ở trong tình trạng nợ thuế kéo dài hoặc có dấu hiệu trốn thuế có đủ dấu hiệu của tội phạm nhưng không xử lý được về hình sự, bởi không riêng người đứng đầu doanh nghiệp vi phạm mà cả doanh nghiệp vi phạm. Nếu pháp luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đại diện của pháp nhân mà không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, như vậy là bỏ lọt tội phạm và pháp nhân có điều kiện “lách luật” để thực hiện các hành vi trái pháp luật. Đây chính là kẽ hở lớn nhất để doanh nghiệp lợi dụng.
Thực tiễn đấu tranh phòng và chống tội phạm thời gian gần đây cũng đặt ra yêu cầu quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân để đáp ứng sự phát triển kinh tế và hội nhập, phù hợp xu thế chung trên thế giới và là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các Công ước quốc tế về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, rửa tiền, tham nhũng mà Việt Nam đã tham gia.
Trong các văn bản pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc phê chuẩn như Công ước của Liên Hợp Quốc về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng chống tham nhũng đều có quy định về việc khuyến nghị các quốc gia thiết lập chế định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Ở tất cả quốc gia mà pháp luật hình sự coi pháp nhân là chủ thể của tội phạm thì đồng thời pháp luật hình sự cũng có hệ thống hình phạt riêng áp dụng cho pháp nhân phạm tội.
Những hành vi phạm tội của pháp nhân thường xảy ra trong các hoạt động kinh tế với mục đích kiếm được lợi nhuận nhiều hơn. Vì vậy, hình phạt tiền với số lượng lớn hoặc những hình phạt hạn chế quyền tự do kinh doanh của pháp nhân được coi là những hình phạt có tác dụng giáo dục và phòng ngừa hơn cả.
Pháp nhân cũng là chủ thể có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự
Tuy không phải là cá nhân cụ thể nhưng pháp nhân vẫn được coi là một “chủ thể có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự” có thể phải chịu một số hình phạt nhất định được quy định trong Bộ luật Hình sự như phạt tiền, giải thể, đình chỉ hoặc hạn chế một số lĩnh vực hoạt động kinh doanh.
Quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân phạm tội trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) còn thể hiện nguyên tắc công bằng và bình đẳng, mọi hành vi phạm tội bất kỳ của cá nhân hay pháp nhân đều phải chịu sự trừng trị của pháp luật hình sự.
Chế tài hình sự sẽ được áp dụng trực tiếp đối với các chủ thể phạm tội. Nguyên tắc cá thể hoá hình phạt không thể tách rời mối liên hệ giữa tội phạm và hình phạt. Nguyên tắc này đòi hỏi hình phạt áp dụng đối với pháp nhân phạm tội phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, tương xứng với các đặc điểm của pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự, như thế hình phạt mới đạt được tính hiệu quả trong trừng trị cũng như phòng ngừa.
Như vậy, có thể thấy rằng, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là rất cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhằm khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành khi xử lý hành vi phạm tội của pháp nhân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý trong hợp tác giữa các quốc gia nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm do pháp nhân gây ra.
Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là vấn đề mới trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và cuộc sống của người lao động.
Việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân cũng đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi một số văn bản pháp luật quan trọng như: Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… tác động đến hoạt động của nhiều bộ, ngành như Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao nên cần lấy ý kiến rộng rãi từ nhân dân và các Bộ, ngành để tạo sự đồng thuận cao của toàn xã hội, tạo thuận lợi khi Bộ luật Hình sự được thi hành trong đời sống xã hội.
Luật sư Trần Quốc Hùng
(Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)