Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khung cảnh vắng vẻ tại chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Tại chùa Vĩnh Nghiêm, một trong những ngôi chùa lớn ở TPHCM rất vắng vẻ dù đang vào giờ khóa lễ buổi chiều. Sân chùa chỉ có một vài Phật tử thắp hương trước tượng Phật Bà. Sảnh dẫn lên chính điện có đặt biển hướng dẫn các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, rửa tay khử khuẩn khi vãn cảnh chùa. Nhà chùa cũng bố trí các máy rửa tay ở nhiều vị trí để Phật tử sử dụng. Phía trong chính điện, khoảng 30 Phật tử được xếp ngồi giãn cách dự lễ khóa kinh.
Bà Trần Thị Hoa, người nhiều năm hành nghề chụp ảnh ở chùa Vĩnh Nghiêm cho biết, hơn một năm nay chùa rất vắng khách. Rất hiếm khi thấy cảnh người dân chen chân tham quan, lễ chùa như trước. Hiện nay chùa tổ chức các buổi thời khóa tụng kinh và các sư thầy vẫn nhắc nhở bà con Phật tử vào chùa phải thực hiện quy tắc 5K.
Theo quan sát của phóng viên, khuôn viên bên ngoài tòa chính điện, vẫn còn hiện tượng một vài khách thập phương vãn cảnh chùa tháo khẩu trang chụp ảnh. Tuy nhiên, riêng khu vực chính điện, nơi làm lễ cầu kinh hàng ngày, nhà chùa bắt buộc Phật tử phải đeo khẩu trang. “Các thầy không bắt quay về, nhưng ai không mang theo khẩu trang thì chùa phát miễn phí, không đeo khẩu trang thì không dự lễ tụng kinh”, bà Hoa chia sẻ.
Thượng toạ Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho hay, hơn một năm nay, chùa Vĩnh Nghiêm duy trì nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, chủ động hướng dẫn cách phòng chống dịch cho Phật tử, người dân về chùa lễ Phật, tham dự các thời khóa tụng kinh. Nhà chùa vẫn mở cửa cho khách đến vãn cảnh nhưng hạn chế số lượng người đến lễ Phật cũng như hạn chế tổ chức các khóa lễ để thực hiện công tác phòng chống dịch.
Các chùa ở TPHCM đều dừng các hoạt động lễ hội, tập trung đông người để đảm bảo công tác chống dịch. Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Thượng toạ Thích Thanh Phong cho hay, việc dừng các lễ ngày rằm tháng Giêng vừa qua là cần thiết trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Hiện nay, đã qua cao điểm các hoạt động lễ, chùa Vĩnh Nghiêm duy trì hai buổi lễ đọc kinh mỗi ngày. Tuy nhiên, chùa hạn chế dưới 30 người tham gia mỗi buổi lễ, và sắp xếp giãn cách cho Phật tử khi tụng kinh trong chính điện.
Tương tự, vị trụ trì chùa Khánh Thiền, quận Tân Bình chia sẻ: “Thông thường các năm trước, vào ngày rằm tháng giêng ở chùa sẽ tổ chức lễ lớn, nhưng năm nay nhận thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên từ đầu năm, chùa đã dừng các hoạt động lễ hội, tập trung đông người để đảm bảo công tác chống dịch’’.
Còn theo Sư thầy An Đạt, trụ trì chùa Ngọc Quy, Quận 7, ở TPHCM chưa có những ngôi chùa gắn với hoạt động lễ hội như chùa Hương, chùa Tam Chúc vì thế các chùa rất vắng khách. Nhưng không vì thế mà các chùa lơ là phòng dịch. Sau khi TP cho phép các nghi lễ tôn giáo hoạt động trở lại, chùa Ngọc Quy đang duy trì 4 thời khóa tụng kinh mỗi ngày, trong đó khóa kinh buổi tối thường có Phật tử tham dự nhưng số lượng không đáng kể. Chùa đã chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn phục vụ bà con Phật tử.
Cầu nguyện trực tuyến
Nếu các chùa đã qua mùa lễ tháng Giêng thì các nhà thờ bắt đầu bước vào tuần lễ chay, lễ Thánh theo nghi thức Công giáo. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các nhà thờ tại TPHCM tiếp tục duy trì các biện pháp phòng dịch toàn diện.
Trước đây, vào ngày thường cũng như dịp cuối tuần, nhà thờ Đức Bà đón rất nhiều giáo dân và du khách đến tham quan, dự thánh lễ. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch, số lượng người đến nhà thờ giảm rõ rệt, chủ yếu là đến dự thánh lễ vào dịp cuối tuần. Đặc biệt trong tuần lễ Thánh, nhà thờ Đức Bà tổ chức thành nhiều ngày lễ để bà con giáo dân vẫn có thể tham gia hành lễ trong điều kiện hạn chế tụ tập đông người.
Anh Đặng Văn Bảy, một giáo dân ở TP Thủ Đức (TPHCM) cho hay, kể từ khi TP phát đi thông báo khẩn chiều tối 8/2, yêu cầu tạm dừng các hoạt động, nghi lễ tôn giáo tập trung đông người thì các nhà thờ mà anh thường dự thánh lễ như nhà thờ Thủ Thiêm, nhà thờ Đức Bà đều ngưng tổ chức lễ thánh trực tiếp. Cho đến ngày 1/3 vừa qua khi TP cho phép các nghi lễ tôn giáo được tổ chức trở lại, anh Bảy đi lễ tại nhà thờ Thủ Thiêm nhưng nhà thờ bắt buộc giáo dân đến dự lễ phải đeo khẩu trang cũng như thực hiện các quy tắc 5K. “Nếu không đeo khẩu trang thì các cha không cho vào. Chúng tôi đã quen với các biện pháp phòng dịch nên tất cả đều tự giác thực hiện”, anh Đặng Văn Bảy chia sẻ.
Cũng sinh hoạt thánh lễ tại nhà thờ Thủ Thiêm, anh Trung Tấn, một giáo dân ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, suốt một năm qua gia đình anh đã hạn chế đi lễ thánh trực tiếp mà hành lễ trực tuyến theo hướng dẫn của Tổng Giám mục TPHCM. Do vậy, sau khi hoạt động thánh lễ trực tiếp được tổ chức trở lại, nhiều linh mục vẫn khuyến khích giáo dân tham dự thánh lễ trực tuyến hằng ngày.
Các địa điểm vui chơi công cộng cũng vắng người đến. Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Di tích, thắng cảnh rút ngắn thời gian hoạt động
Tại bảo tàng Lịch sử TPHCM, trong 3 tháng đầu năm đón gần 8.000 lượt khách, chủ yếu vào dịp cuối tuần. “Phần lớn là khách thăm Thảo Cầm Viên kết hợp ghé thăm bảo tàng. Chúng tôi yêu cầu khách thăm quan phải đeo khẩu trang, rửa tay khử khuẩn”, bà Nguyễn Khắc Xuân Thi, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TPHCM cho biết.
Một vị lãnh đạo Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho hay, mỗi ngày chỉ vài chục đến một trăm khách ghé thăm. “Chúng tôi cũng mong được áp dụng biện pháp giãn cách phòng dịch cho khách nhưng không có người ghé thăm. Hiện nay chủ yếu là một vài nhóm sinh viên chuyên ngành đến bảo tàng. Với nhóm khách này họ có lên hệ trước, và chúng tôi cũng yêu cầu bắt buộc đeo khẩu khi vào bảo tàng”, vị này chia sẻ và cho biết đang tính đến phương án rút ngắn thời gian hoạt động mỗi ngày.
Một di tích nổi tiếng khác ở TPHCM đang áp dụng rút ngắn thời gian hoạt động là Dinh Thống Nhất. Do vắng khách thăm quan, Dinh Thống Nhất hiện chỉ mở cửa đón khách cả ngày vào thứ Bảy và Chủ nhật, còn lại rút ngắn thời gian hoạt động vào buổi sáng từ thứ Hai đến thứ Sáu. Việc này cũng là giải pháp để các di tích tiết kiệm chi phí hoạt động trong hoàn cảnh sụt giảm nguồn thu từ bán vé thăm quan.
Ảnh: VGP/Băng Tâm |
Trước đó, khi cho phép các cơ sở tôn giáo, di tích thắng cảnh mở cửa đón khách trở lại từ 1/3, UBND TPHCM lưu ý chỉ cho phép các nghi lễ tập trung không quá 50 người. Bên cạnh đó, ngành y tế TP thực hiện lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên nhằm đảm bảo công tác phòng dịch COVID-19.
Băng Tâm