Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bà An được biết bệnh viện tại địa phương của bà hiện chưa có thuốc ức chế virut viêm gan B hay máy đếm virut. Bà An hỏi, hiện nay bệnh viện nào ở Hà Nội có thể điều trị bệnh viêm gan B hiệu quả? Để được chuyển viện lên tuyến trên bà cần thực hiện thủ tục gì? Nếu khám, chữa bệnh (KCB) tại bệnh viện ở Hà Nội bà có được quỹ BHYT chi trả một phần chi phí không và thời gian điều trị là bao lâu?
Về trường hợp của bà An, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định của Bộ Y tế, khi quá khả năng KCB thì cơ sở KCB tuyến dưới chuyển người bệnh lên tuyến trên. Về nguyên tắc, người bệnh không nhất thiết phải vào điều trị nội trú rồi mới được chuyển tuyến trên, mà có thể chuyển ngay từ phòng khám.
Đồng thời, theo hướng dẫn tại khoản b, Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì cơ sở KCB tuyến dưới có thể chuyển người bệnh vượt tuyến nếu tuyến liền kề không cung cấp được dịch vụ đáp ứng việc KCB cho người bệnh.
Việc chuyển người bệnh lên tuyến trên do cơ sở KCB quyết định, vì vậy bà An cần hỏi trực tiếp bác sĩ khám và điều trị cho mình về vấn đề này.
Hiện tại, các Bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhiệt đới là các cơ sở điều trị tốt bệnh viêm gan virut. Khi bà An lên tuyến Trung ương điều trị, nếu xuất trình thẻ BHYT đúng quy định, sẽ được quỹ BHYT thanh toán 30% chi phí trong phạm vi quyền lợi BHYT.
Thời gian điều trị (ngoại trú hoặc nội trú) do bác sĩ quyết định.
Chinhphu.vn