Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa tái sinh phía Bắc và phía Nam kiến nghị một số giải pháp giải phóng hàng nhựa phế liệu đang tồn tại cảng, tránh tình trạng hàng tiếp tục tồn cảng trong tương lai.
Theo đó, đại diện các doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng đưa thông tin các công ty đã được cấp phép lên Cổng Thông tin điện tử Quốc gia để cơ quan Hải quan nắm bắt kịp thời, chỉ tiếp nhận khai báo làm thủ tục nhập khẩu cho các công ty đã có tên trên Cổng Thông tin điện tử Quốc gia.
Cho phép các công ty có Giấy phép do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp được gia hạn thêm 5 tháng cuối năm 2018 để nhận các lô hàng đang tồn cảng nhằm mục đích giải phóng hàng tồn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguyên liệu sản xuất.
Hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành tái chế nhựa phế liệu nhằm mục đích thuận tiện cho việc quản lý và đẩy mạnh việc phát triển ngành nhựa Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp cũng đề nghị mở rộng QCVN đối với phế liệu nhựa nhập khẩu, đưa tất cả các loại nhựa có thể tái chế không lẫn tạp chất nguy hại vào danh mục nhựa phế liệu được phép nhập khẩu hoặc ít nhất phải có thêm các loại ống, tấm, khay, màng bao bì, đồ chơi, pallet, két nhựa... nhằm mục đích tận dụng nguồn nguyên liêu và tránh tồn cảng trong tương lai khi lô hàng nhập có lẫn các loại nhựa này (rất nhiều lô hàng đang tồn cảng vì lý do này).
Tập trung nhân lực, đẩy nhanh việc cấp phép nhập khẩu nhựa phế liệu mới cho các doanh nghiệp.
Thay đổi phương pháp quản lý: Sử dụng giải pháp “dễ dàng đầu vào, siết chặt đầu ra” như các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia... đang làm, có nghĩa là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu hầu hết các loại chủng loại nhựa có thể tái chế nhưng quản lý chặt đầu ra là nước thải và khí thải của các nhà máy tái chế.
Về các vấn đề nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như san:
Từ tháng 7/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan công khai kết quả cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu/Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu (Giấy xác nhận) trên Cổng Thông tin Một cửa Quốc gia và Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài nguvên và Môi trường.
Tính đến hết ngày 5/10/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cập nhật 309 Giấy xác nhận của các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Việc tiếp nhận khai báo làm thủ tục nhập khẩu phế liệu phải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, quy định về hải quan và các quy định khác có liên quan.
Không gia hạn Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu
Quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không cho phép gia hạn Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Theo quy định tại Thông tư 41/2015/TT-BTNMT ngày 9/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và quy định của cơ quan hải quan, doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phải nộp cho cơ quan hải quan Giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu còn hiệu lực của tổ chức, cá nhân ủy thác nhập khẩu phế liệu (bản sao chứng thực) để kiểm tra, thông quan.
Trường hợp Giấy xác nhận do Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu đã hết hiệu lực thì lô hàng phế liệu cập cảng khi Giấy xác nhận hết hiệu lực sẽ không được kiểm tra, thông quan theo quy định.
Trường hợp Giấy xác nhận của các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu hết hạn, đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu khẩn trương nộp hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy xác nhận theo quy định tại Thông tư 41/2015/TT-BTNMT và Thông tư 03/2018/TT-BTNMT ngày 14/8/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về sửa đổi, bãi bỏ một số quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Sẵn sàng hỗ trợ thành lập khu công nghiệp tái chế nhựa
Về đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập các khu công nghiệp chuyên ngành tái chế nhựa phế liệu nhằm mục đích thuận tiện cho việc quản lý và đẩy mạnh việc phát triển ngành nhựa Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ việc nghiên cứu, đề xuất thành lập các khu công nghiệp tái chế để nâng cao hiệu quả kinh tế và quản lý môi trường.
Tuy nhiên, việc thành lập các khu công nghiệp tái chế nhựa phải thực hiện đúng mục đích là: Tái chế nhựa phế liệu phát sinh trong nước; không khuyến khích nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài vào Việt Nam để tái chế.
Đồng thời việc triển khai các khu công nghiệp tái chế nhựa phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và theo định hướng của Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước và của các địa phương.
Đã ban hành QCVN mới đối với phế liệu nhựa nhập khẩu
Quyết định 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất đã quy định 07 mã nhựa phế liệu được phép nhập khẩu.
Trên cơ sở thực hiện Quyết định 73/2014/QĐ-TTg; Chỉ thị 27/CT-TTg và ý kiến của các Bộ, các Hiệp hội và các đơn vị liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, ban hành Thông tư 08/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018, trong đó có QCVN 32:2018/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất (thay thế QCVN 32:2010/BTNMT).
QCVN 32:2018/BTNMT đã cụ thể hóa các loại nhựa được phép nhập khẩu thuộc danh mục tại Quyết định 73/2014/QĐ-TTg, bao gồm:
Nhựa được loại ra từ các quá trình sản xuất mà chưa qua sử dụng; bao bì bằng nhựa (PET) đựng nước khoáng, nước tinh khiết đã qua sử dụng; bao bì bằng nhựa (PET) đựng nước uống có ga đã qua sử dụng và đã được loại bỏ hoàn toàn chất lỏng bên trong; nhựa đã qua sử dụng ở một trong các dạng: Khối, cục, thanh, dây, dải, băng, màng, nẹp, khay, tấm, lá, pallet, két nhựa; bao jumbo đã được cắt tạo thành dải, tấm hoặc băng.
Các loại nhựa khác không thuộc loại nhựa nêu trên phải được băm, cắt thành mẩu vụn và làm sạch để loại bỏ các tạp chất (kích thước mỗi chiều của mẩu vụn không quá 10 cm. tỷ lệ các mẫu vụn có kích thước lớn hơn 10 cm không vượt quá 5% khối lượng của lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu).
Do vậy, đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu phải nghiên cứu kỹ các quy định tại QCVN 32:2018/BTNMT để bảo đảm phế liệu nhập khẩu phải đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.
Quản chặt đầu vào và đầu ra của nhựa phế liệu
Về đề nghị tập trung nhân lực, đẩy nhanh việc cấp phép nhập khẩu nhựa phế liệu mới cho các doanh nghiệp, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai các hoạt động cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo đúng quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP, Thông tư 41/2015/TT-BTNMT, Thông tư 03/2018/TT-BTNMT và Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuât.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ xem xét cấp rnới, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với đơn vị nhập khẩu phế liệu đáp ứng đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường; sử dụng trực tiếp phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Về đề nghị thay đổi phương pháp quản lý: Sử dụng giải pháp “dễ dàng đầu vào, siết chặt đầu ra” như các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Malaysia... đang làm, có nghĩa là tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu hầu hết các loại chủng loại nhựa có thể tái chế nhưng quản lý chặt đầu ra là nước thải và khí thải của các nhà máy tái chế.
Trong những năm qua, bên cạnh việc tái chế chất thải, tận dụng phế liệu phát sinh trong nước làm nguyên liệu sản xuất, để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của một số ngành sản xuất, Nhà nước đã cho phép nhập khẩu phế liệu với các điều kiện quy định chặt chẽ, cụ thể tại Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Quyết định 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; Thông tư 41/2015/TT-BTNMT; Thông tư 03/2018/TT-BTNMT.
Trước thực tế hiện nay, việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ bị lợi dụng để đưa chất thải vào nước ta, gây ô nhiễm môi trường. Một số nước (là thị trường nhập khẩu phế liệu lớn của thế giới như Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc) đã hạn chế thậm chí cấm nhập khẩu một số loại phế liệu tạo nên sự dịch chuyển lượng lớn phế liệu nhập khẩu vào các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đã dẫn đến tồn đọng lượng lớn lô hàng phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển Việt Nam.
Do vậy, để quản lý chặt chẽ phế liệu nhập khẩu phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan (quản lý chặt chẽ cả đầu vào và đầu ra).
Trong quá trình hoạt động của cơ sở sản xuất có sử dụng phế liệu nhập khẩu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra hiện hành; trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường thì xử phạt theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.