Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh hoạ |
Bà Thuỷ hỏi, công ty bà muốn chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với nữ nhân viên trên thì phải làm như thế nào? Theo nữ nhân viên này, pháp luật cho phép cô ấy nghỉ thai sản trong vòng dưới 12 tháng mà vẫn đảm bảo việc làm, như vậy có đúng không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Thuỷ như sau:
Đảm bảo việc làm khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Khoản 1, Khoản 3 Điều 157 Bộ Luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng.
Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.
Điều 158 BLLĐ quy định, lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật này; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Theo phản ánh của bà Lê Thị Thanh Thủy, thì một người lao động nữ làm việc tại công ty sau thời gian nghỉ sinh con 6 tháng đã không đến công ty làm việc, mà không có đơn yêu cầu nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương, cũng không được lãnh đạo công ty đồng ý, tự ý bỏ việc 3 tháng (90 ngày) mà không có một trong các lý do chính đáng như thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Phải khẳng định, đó là hành vi vi phạm kỷ luật lao động, do lỗi tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng, hành vi đó có thể bị xử lý kỷ luật với hình thức sa thải theo quy định tại Khoản 3 Điều 126 BLLĐ.
Tuy nhiên, để bảo vệ thai sản đối với lao động nữ, Khoản 3, Khoản 4 Điều 155 BLLĐ có quy định, người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động. Khoản 4, Điều 123 BLLĐ cũng quy định không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi .
Theo đó, khi lao động nữ trở lại làm việc trong thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, công ty cần áp dụng quy định tại Điều 158 BLLĐ để bố trí việc làm cho lao động nữ đó. Do việc làm cũ không còn, công ty có thể bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Có thể xử lý kỷ luật lao động sau khi con đủ 12 tháng tuổi
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 124 BLLĐ, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 6 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm. Khi hết thời gian quy định tại điểm d khoản 4 Điều 123, mà thời hiệu xử lý kỷ luật lao động đã hết thì được kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
Trường hợp lao động nữ tại công ty bà Thủy làm việc có hành vi tự ý bỏ việc khi con đủ 6 tháng tuổi, đến khi con đủ 9 tháng tuổi mới trở lại làm việc (tự ý bỏ việc 90 ngày), đến khi con đủ 12 tháng tuổi thì hết thời hiệu xử lý kỷ luật 6 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm. Tuy nhiên, nhằm giữ nghiêm kỷ luật lao động, công ty có thể áp dụng khoản 2 Điều 124 BLLĐ kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật lao động thêm 60 ngày để tiến hành xử lý kỷ luật lao động đối với nữ lao động đó theo đúng nguyên tắc, trình tự thủ tục quy định tại điều 123 BLLĐ và áp dụng hình thức kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 126 BLLĐ.
Trường hợp khi họp xử lý kỷ luật mà lao động nữ này tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, đưa ra được chứng cứ hợp pháp chứng minh thời gian tự ý bỏ việc 90 ngày là có lý do chính đáng như do thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân (con, chồng, bố, mẹ…) bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động, thì không áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải đối với họ.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.