Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chia sẻ khó khăn
Người dân giải cứu nông sản cho tỉnh Hải Dương |
Sau hương vị nồng ấm của những ngày Tết Nguyên đán, do làn sóng COVID mới và các biến thể mới của virus đã gây ra nhưng lo ngại cho người dân trên toàn thế giới. Trong nước, đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhất là tại tỉnh Hải Dương. Mùng 1 tháng Giêng, tỉnh này có 47/53 ca mắc mới. Tính từ ngày 25/1 đến nay 5/3, Hải Dương có 695 ca mắc mới, buộc cả tỉnh phải gồng mình chống dịch. Các lực lượng xung kích như y tế, quân đội, công an, dân phòng… phải ngày đêm triển khai ngay việc ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch.
Đáng mừng, đến nay Hải Dương đã kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh khá tốt. Mới đây, ngày 2/3, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 679/QÐ-UBND kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội đối với toàn tỉnh Hải Dương theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; gỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với TP. Chí Linh và huyện Cẩm Giàng. Toàn tỉnh Hải Dương chuyển sang trạng thái mới về phòng, chống dịch COVID-19, theo đó, bốn đơn vị cấp huyện gồm TP. Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và huyện Kim Thành cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 cho tới ngày 17/3. Tám đơn vị cấp huyện còn lại: Bình Giang, Thanh Hà, Ninh Giang, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Miện và TP. Chí Linh cơ bản thực hiện theo Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ cho tới khi dập dịch hoàn toàn.
Với tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, đồng bào cả nước đã chung tay góp sức giải cứu nông sản Hải Dương. Mới đây nhất, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã hỗ trợ nông dân Hải Dương bằng cách đưa các nông sản nổi tiếng của tỉnh lên bán tại trang thương mại điện tử như trứng gà Cẩm Đông, gà đồi Chí Linh, ổi Thanh Hà, bắp cải, su hào... Đây đều là những nông sản đã được chứng nhận đủ tiêu chuẩn OCOP.
Chính phủ, Thường trực Chính có nhiều cuộc họp. Mới đây nhất, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra vào ngày 2/3, trước những khó khăn, vất vả của doanh nghiệp, người dân trong việc chống chọi với đại dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành y tế nhanh chóng tiêm vaccine cho người dân theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ; đồng thời các cơ quan chức năng cần rà soát, điều chỉnh các gói hỗ trợ hiện tại và sớm đề xuất gói hỗ trợ đợt 2 để giúp doanh nghiệp và người dân vượt khó. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Quyết liệt phục hồi nền kinh tế
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh“Không nên có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời” . Ảnh: VGP |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ bắt tay vào làm việc ngay từ những ngày đầu của tháng Giêng, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”… cả nước đã bắt tay khẩn trương bắt tay vào sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển nền kinh tế.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đều có những chuyển biến tích cực; nhất là hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2021 đạt mức tăng cao. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm ước tính đạt 95,81 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2020. Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao như: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2021 giảm 0,15% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tháng 2/2021 diễn biến tương đối thuận lợi. Công tác trồng rừng và triển khai “Tết trồng cây” đầu Xuân được tổ chức thiết thực tại nhiều địa phương…
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và ngay cả ở một số địa phương đầu mối kết nối du lịch như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, vẫn có gần 11.000 lượt khách quốc tế đến Việt Nam, cho thấy cố gắng rất lớn của ngành du lịch.
Đặc biệt, trong tháng Giêng, do lượng hàng hóa cung cấp ra thị trường dồi dào, nên giá cả ổn định để mọi người dân vui Tết, đón xuân Tân Sửu.
Tháng Giêng dần khép lại với nhiều niềm vui, tạo đà cho tháng tới, tháng sẽ có kỳ họp 11 của Quốc hội khóa XIV, kỳ họp cuối cùng mà, theo thông báo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, sẽ kiện toàn một số chức danh Nhà nước.
Về việc này, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong giai đoạn sắp chuyển giao nhiệm kỳ, các thành viên Chính phủ phải làm hết mình, làm đến phút cuối cùng vì trách nhiệm trước Đảng, trước dân. “Không nên có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ dù ở cương vị mới hoặc nghỉ chế độ công tác” . Đồng thời, Thủ tướng khẳng định Chính phủ khóa này sẽ tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và thực hiện chuyển giao nhiệm vụ cho Chính phủ tới đây theo đúng quy định, bảo đảm tính kế thừa, phát huy công khai, minh bạch cả về việc chuyển giao nhiệm vụ, công việc và công tác cán bộ, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự.
Với tinh thần nêu trên, chúng ta sẽ thực hiện tốt lời chúc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngay trong giờ đầu tiên chuyển giao từ tháng Chạp Canh Tý sang tháng Giêng Tân Sửu: “Mừng Xuân mới khí thế mới, thắng lợi mới! Nhà nhà vui tươi, người người hạnh phúc!”./.
Lê Việt