Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Phạm Văn Hưng, Ban Pháp chế và Quản trị doanh nghiệp Ngân hàng Quốc tế (VIB) đề nghị giải đáp nội dung quy định tại Khoản 6, Điều 3 Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm: “6. Mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu là các sản phẩm thực phẩm cùng loại, cùng tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất hàng hóa, chất liệu bao bì”.
Ngoài ra, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ký ngày 2/2/2018 và có hiệu lực cùng ngày. Theo quy định tại Điều 151.2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chỉ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua. Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên, ông Hưng không thấy Nghị định thuộc trường hợp nào quy định tại Điều 146. Ông Hưng đề nghị giải đáp, tại sao Nghị định lại có hiệu lực cùng với ngày ký?
Về vấn đề này, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trả lời như sau:
Liên quan đến thuật ngữ quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu gắn với thuật ngữ “Lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu” tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, trong đó Lô hàng có thể chỉ có một mặt hàng hoặc nhiều mặt hàng và khi xác định mặt hàng (có trong lô hàng) thì cần căn cứ vào các loại, chất liệu bao bì, tên, nhãn hàng hóa, cơ sở sản xuất…
Ví dụ như: Một lô hàng có thể bao gồm bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm chức năng… nên việc kiểm tra Nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ thực hiện theo từng mặt hàng mà không áp dụng đồng đều cho toàn bộ lô hàng.
Ngày 5/12/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, trong đó ghi rõ “Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan khẩn trương dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ trong quý I năm 2017”.
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì: “Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng…”.
Chinhphu.vn