Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) quý I và phương hướng nhiệm vụ quý II/2022 theo hình thức trực tuyến, kết nối với 63 tỉnh, thành phố, diễn ra ngày 14/4.
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng thông tin, trong quý I/2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/3/2022) toàn quốc xảy ra hơn 2.700 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết gần 1.670 người, bị thương 1.741 người.
So với cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT giảm hơn 660 vụ, giảm 67 người chết, giảm 739 người bị thương.
Một số địa phương làm tốt công tác kéo giảm TNGT, trong đó 11 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Hà Giang, Sơn La, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Ninh Thuận, Quảng Trị; 3 địa phương Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Quảng Bình giảm trên 60% số người chết do TNGT.
Phân tích nguyên nhân các vụ TNGT cho thấy 15,47% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,49% do chuyển hướng không bảo đảm an toàn; 3,69% do vượt xe sai quy định; 3,28% do vi phạm tốc độ; 1,76% do sử dụng rượu, bia, chất kích thích có cồn; 1,52% do người đi bộ sang đường sai quy định; 0,12% do công trình giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn; 0,52% do dừng đỗ sai quy định; 0,08% do phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật; 27,42% do các nguyên nhân khác; 38,61% chưa xác định được nguyên nhân.
"Một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do lái xe vi phạm nồng độ cồn gây ra, đặc biệt là nhiều đối tượng vi phạm còn trong độ tuổi thiếu niên. Thống kê của Ban ATGT tỉnh Gia Lai, từ ngày 6 đến 12/3, trên địa bàn các huyện Đak Đoa, Kông Chro, Ia Pa, Krông Pa, Chư Pưh và thị xã Ayun Pa liên tiếp xảy ra 8 vụ TNGT do lái xe có nồng độ cồn khi tham gia giao thông làm chết 13 người, bị thương 2 người. Trong số các nạn nhân tử vong có 8 người sinh từ năm 2004 đến 2008", ông Khuất Việt Hùng cho biết.
Cả nước còn 24 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với năm trước. Trong đó, 4 tỉnh có số người chết tăng trên 50% là: Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ và Điện Biên.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đặc biệt lưu ý về vụ việc tai nạn đường thuỷ hồi cuối tháng 2 vừa qua. "Chỉ xảy ra một vụ tai nạn nhưng đã để lại hậu quả vô cùng thương tâm làm 17 người chết", Bộ trưởng nhìn nhận.
Báo cáo về vụ việc, ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy Việt Nam cho biết, vụ tai nạn đường thủy ngày 26/2 ở biển Cửa Đại (Quảng Nam) đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Ông Thu cho rằng, với khoảng 1.500 phương tiện vận tải khách được cấp chứng nhận đăng kiểm trên cả nước, sức chở khoảng 52.000 hành khách; riêng Quảng Nam có 52 phương tiện, sức chở 1.500 khách thì các địa phương cần quan tâm đến quá trình cấp phép cho phương tiện. Đồng thời, kiểm tra điều kiện thời tiết, an toàn, chứng chỉ trước khi tàu rời bến. Giám sát hoạt động bằng thiết bị nhận dạng bắt buộc phải có đối với phương tiện chở khách. Nâng cao trách nhiệm của thuyền trưởng và chủ phương tiện, hướng dẫn an toàn cho hành khách, cửa thoát hiểm.
"Vai trò của cảng vụ viên rất quan trọng, tuy nhiên một số địa phương chưa có cảng vụ đường thủy nội địa để quản lý hoạt động vận tải thuỷ an toàn. Bên cạnh đó, cần sửa đổi một số yêu cầu về tốc độ trong điều kiện đặc biệt như khúc cong cua, thời tiết xấu….", Cục Đường thuỷ nội địa đề xuất.
Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng đề xuất: Trong quý II/2022, Bộ GTVT cần triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giao thông vận tải theo kế hoạch và đột xuất. Trong đó, tập trung kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định và điều kiện kinh doanh vận tải trên các tuyến luồng đường thủy nội địa.
Cùng với đó là phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng thực hiện công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy nội địa vào mùa mưa lũ; bổ sung hệ thống báo hiệu phù hợp với tình hình luồng tuyến nhằm nâng cao điều kiện ATGT. Chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các Sở GTVT tăng cường kiểm tra hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách trên đường thủy nội địa.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương cần phân tích các nguyên nhân gia tăng TNGT, đưa ra giải pháp sát thực, triển khai thực hiện hiệu quả để khắc phục, kéo giảm TNGT trong quý II và cả năm 2022.
"Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT, để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng xử lý nghiêm các vi phạm. Trước mắt, trong dịp lễ 30/4 và 1/5 sắp tới, các đồng chí cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa bảo đảm cho bà con nhân dân có kỳ nghỉ lễ an toàn", Bộ trưởng chỉ đạo.
Phan Trang