Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Trung Hồ yêu cầu các thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại cơ sở, đặc biệt tại các huyện, xã mà chất lượng tín dụng còn hạn chế. Đồng thời, giao Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang tranh thủ các nguồn vốn ủy thác và huy động thêm nguồn vốn ngay từ đầu năm 2025 để bổ sung vào các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các địa phương quan tâm, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội và huy động các nguồn lực khác để phát triển tín dụng chính sách xã hội. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể cần phát huy vai trò giám sát, tư vấn và hỗ trợ người vay sử dụng vốn hiệu quả, đảm bảo việc trả nợ đúng hạn.
Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đạt trên 6.300 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương chiếm 522 tỷ đồng, tương đương 8,26% tổng nguồn vốn.
Năm 2024, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp 43.021 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn vay, trong đó có hơn 10.000 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Đồng thời, chương trình cũng hỗ trợ 7.144 lao động tạo việc làm, 205 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, và 2.022 hộ vay vốn cho con em học sinh, sinh viên.
Các chương trình tín dụng chính sách còn góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống người dân và đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Kiên Giang Đoàn Công Thiệt, một số khó khăn còn tồn tại, như tình trạng nợ quá hạn, lãi tồn tăng và 3.728 khách hàng bỏ đi khỏi nơi cư trú, gây khó khăn trong công tác thu hồi nợ.
Lê Sơn