Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ông Đinh Công Tấn kể về những ngày đầu chống Pháp không thể nào quên. Ảnh VGP/Mai Vy. |
Sau đó, thấy ông lanh lẹ, thông minh, chỉ huy phân công làm trinh sát.
Trước ngày toàn quốc kháng chiến, người lính trinh sát này đã nghe ngóng thấy địch tập có thể trung quân để chuẩn bị chiến tranh, anh nhanh chóng báo cáo với chỉ huy để đơn vị chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu.
Lực lượng của ta vẫn kiên trì kéo dài ngày xảy ra chiến sự để có thời gian chuẩn bị tổ chức lực lượng, củng cố dân quân, tự vệ; hậu phương có thời gian để chuẩn bị căn cứ địa cách mạng …
Sau đó, ông Tấn được điều về Trung đoàn 96. Nhiệm vụ của ông là theo dõi động tĩnh nơi Pháp đóng quân dưới cầu cảng Sông Hàn, Tòa Thị chính và dọc tuyến đường Bạch Đằng (Đà Nẵng bây giờ). Những thông tin cơ yếu, ông báo cáo trực tiếp với chỉ huy trưởng Trung đoàn 96 Nguyễn Bá Phát.
Để thu thập được thông tin đắt giá về địch, ông Tấn phải cải trang và lăn lộn ngày đêm ở cầu cảng, góc đường, bụi cây, rồi tìm cách làm quen với lính Pháp để dò la tin tức địch.
Sau 30 ngày đêm chiến đấu kìm chân địch trong lòng Đà Nẵng kể từ ngày toàn quốc kháng chiến, Trung đoàn 96 được lệnh chuyển vào vùng căn cứ. Khi dời đi, Trung đoàn vẫn để lại lực lượng nòng cốt như trinh sát, tự vệ, du kích tổ chức những trận đánh lẻ nhằm tiêu hao quân địch.
Ông Tấn cũng ở lại làm trinh sát cho Tiểu đoàn 19, chặn giữ đèo Hải Vân, con đường độc đạo nối với phía bắc Đà Nẵng.
Những ngày này, Pháp tập trung phần lớn lực lượng bộ binh, cơ giới, tăng thiết giáp đánh vào khu vực đèo Hải Vân để giải vây cho Huế. Nhưng do Tiểu đoàn 19 đã giữ được những chốt giao thông quan trọng nên suốt mấy tháng trời, quân Pháp vẫn không thể nào liên lạc được với Huế bằng đường bộ và đường sắt.
Trong trận phục kích tại đèo Hải Vân vào tháng 6/1947, ông Tấn ngày đêm bám sát địch để thăm dò động tĩnh. Nhờ những thông tin ông báo về, Tiểu đoàn 19 đã bố trí trận địa ở đỉnh đèo, nơi sương mù dày đặc nhất để bất ngờ đánh địch.
Trong trận này, bộ đội ta đã diệt hơn 3 đại đội lính Âu - Phi, thu nhiều vũ khí, đạn dược của địch. Đặc biệt, ta còn tiêu diệt được Đại tá Roger, chỉ huy quân đội Pháp ở miền Trung Đông Dương.
Ông Tấn nhớ lại, chiến thắng Hải Vân là chiến thắng lớn nhất của quân và dân ta trên chiến trường Liên khu V trong năm 1947, làm nức lòng nhân dân cả nước, làm rung động hàng ngũ địch.
Về sau, cây cầu trên đèo Hải Vân, nơi tên sĩ quan Pháp bị tiêu diệt, được gọi là “cầu Roger”.
Ngôi nhà 18 phố Ga (nay là 16 Hoàng Hoa Thám), nơi ông Tấn báo cáo trực tiếp những thông tin trinh sát chỉ huy Trung đoàn 96. Ảnh VGP/Mai Vy. |
Sau những ngày toàn quốc kháng chiến, ông Tấn tiếp phục vụ trong quân đội qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nay tuổi đã cao, ông sống giản dị với con cháu ở Đà Nẵng. Nhắc lại những ngày tháng gian khổ và hào hùng của dân tộc, ông chỉ mong thế hệ mai sau noi gương cha anh xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn như ước nguyện của Bác Hồ.
Mai Vy