Gặp những nông dân triệu phú
Ngày cuối năm, tôi về thôn 1 A, xã Đăk La (huyện Đăk Hà) gặp ông Nguyễn Xuân Hoàng - người có 4 ha cao su tiểu điền trồng theo Chương trình 327 đã đi vào khai thác ổn định. Theo nhiều người kể lại, ông Hoàng là một trong những người đi tiên phong đưa cây cao su tiểu điền về vùng đất này. Đó là vào những năm 1997-1998, thực hiện Chương trình 327, xã Đăk La có chủ trương phát triển diện tích cao su. Ông Hoàng đang là cán bộ lãnh đạo xã nên gương mẫu đi đầu. Chẳng bao lâu sau, nhiều vùng đất bạc màu, hoang hóa đã được cây cao su phủ xanh. Tuy nhiên, khi chương trình 327 kết thúc, bà con thiếu vốn đầu tư chăm sóc nên cao su phát triển không đều. Sau đó, được dự án đa dạng hóa nông nghiệp cho vay vốn, bà con khôi phục lại vườn cây. Ông Nguyễn Xuân Hoàng cho biết: Hiện tại gia đình tôi có 4 ha đang khai thác. Mặc dù thời điểm này, giá mủ cao su xuống thấp gần một nữa so với tháng 7-8, nhưng bình quân mỗi ngày, gia đình tôi cũng thu được từ 1,6-1,8 triệu đồng. Cây cao su tiểu điền đã làm cuộc sống gia đình ông thay đổi; căn nhà khang trang theo kiểu biệt thự đã thay thế ngôi nhà tuềnh toàng ngày nào; trong nhà có nhiều đồ dùng sinh hoạt có giá trị...
|
Anh Nguyễn Văn Thắm bên vườn cao su tiểu điền đã đi vào khai thác. |
Ở xã Đăk La, đồng hành với ông Hoàng còn có ông Nguyễn Lưu (thôn 3), trồng được 3,5 ha cao su tiểu điền. Theo anh Nguyễn Văn Thắm (con ông Lưu), bình quân mỗi ngày gia đình anh thu khoảng 1,5 triệu đồng. Trẻ hơn nữa thì có anh Nguyễn Minh Vương (thôn 1 A). Anh Vương trồng được 4,5 ha cao su; hiện nay đã có 3 ha đi vào khai thác, bình quân mỗi ngày cao su cho anh thu khoảng 1,5 triệu đồng.
Đến thôn Trung Thành, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum), tôi gặp một triệu phú-anh Hà Hùng khác, cũng làm giàu từ cây cao su tiểu điền. Gia đình anh có 4,5 ha cao su tiểu điền được trồng bằng nguồn vốn Chương trình 327. Vượt qua những khó khăn ban đầu, kể từ năm 2001 đến nay, vườn cao su của gia đình anh đã đi vào khai thác ổn định.
|
Nhộn nhịp thu mua mủ cao su. |
“Hiện nay, bình quân mỗi ngày tôi thu gần 3 triệu đồng. Không cây trồng nào có giá trị kinh tế bằng cao su, kể cả cà phê” - anh Hùng khẳng định. Ở Vinh Quang, nhiều gia đình đồng bào dân tộc ít người như A Mai, A Nghĩa, A Cháo (thôn Plei Trum Đăk Choah)… trồng từ 1-3 ha cao su, đời sống đều khá giả...
Hướng thoát nghèo bền vững
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La Trần Thanh Minh, thấy được giá trị kinh tế của cây cao su, lại được huyện hỗ trợ giống (cho hộ nghèo), kỹ thuật và cho vay vốn, nên người dân “đua nhau” trồng cao su. Từ hơn 300 ha cao su tiểu điền ban đầu, đến nay, xã Đăk La đã phát triển được hơn 1.300 ha cao su; bình quân gần 1 ha/hộ; trong đó có gần 400 ha cao su đi vào khai thác. Trong những năm đến, khi diện tích cao su đi vào khai thác ổn định, việc xóa đói, giảm nghèo bền vững để xây dựng nông thôn mới không còn là trở ngại lớn với Đăk La .
Theo Sở NN&PTNT, tính đến nay, toàn tỉnh đã trồng gần 57.000 ha cao su, trong đó có trên 32.000 ha cao su cá thể. Trong diện tích cao su cá thể, có gần 6.000 ha cao su đã đi vào khai thác. Cây cao su đã góp phần quan trọng cho hàng nghìn hộ nghèo thanh toán nghèo bền vững, vươn lên làm giàu…
Thêm một tin vui cho những hộ nghèo, UBND tỉnh đang triển khai thực hiện Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền với tổng mức đầu tư khoảng trên 170 tỷ đồng. Theo đề án này, tỉnh hỗ trợ giống, kỹ thuật; các huyện, thành phố hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho 6.436 hộ nghèo, cận nghèo trồng hơn 6.000 ha cao tiểu điền. Như vậy, tỉnh ta sẽ có thêm nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ cao su tiểu điền.
Bài và ảnh: Văn Nhiên