Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén bởi bộ phận áp cao lục địa tăng cường từ phía bắc, từ đêm 12/9 đến rạng sáng 13/9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to.
Tại huyện Bát Xát, khoảng 21h ngày 12/9, lũ lớn cục bộ đã xảy ra ở xã Phìn Ngan cuốn trôi 1 người tại thôn Suối Chải.
Còn tại xã Liên Minh (thị xã Sa Pa, Lào Cai), mưa to đã gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng. Tại thôn Nậm Than, xã Liên Minh, đã có hai người chết do lũ cuốn; bốn người mất tích.
Theo thông tin ban đầu, mưa lớn diễn ra khoảng 30 phút, gây ra lũ ống trên 3 dòng suối chính trên địa bàn xã (Nậm Phá, Nậm Cang và Nậm Than), cuốn trôi toàn bộ 61 trại cá hồi, cá tầm, cùng 610 ao cá và nhiều tài sản khác của người dân, thiệt hại ước tính khoảng 250 tỷ đồng. Hiện khu vực trên vẫn tiếp tục có mưa lớn, nước lũ tiếp tục dâng khiến công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Tại khu vực Km 135+400 Quốc lộ 4D, đoạn thuộc địa phận xã Đồng Tuyển (thành phố Lào Cai), nước suối Ngòi Đum dâng cao đã khiến đoạn đường dài khoảng 300 m bị ngập sâu, nhiều phương tiện không thể lưu thông. Trên đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi Sa Pa, đoạn thuộc địa phận tổ 30, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai), nước suối Ngòi Đum cũng làm ngập đoạn đường dài khoảng 100 m.
Chính quyền thị xã Sa Pa đã khẩn trương cử lực lượng chức năng tăng cường xuống hiện trường để tổ chức thăm hỏi, động viên và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục thiệt hại do mưa lũ.
Theo Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai, sáng 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cùng đoàn công tác đã lên đường vào xã Liên Minh, thị xã Sa Pa để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả.
Trước diễn biến của mưa lũ trên địa bàn, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có kế hoạch cụ thể và các biện pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương ứng phó với diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất… nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cùng với đó, tăng thời lượng truyền thông về tình hình thời tiết trên hệ thống loa, đài truyền thanh thôn, xã, để tuyên truyền đến người dân.
Tổ chức rà soát các hộ dân đang sinh sống trong khu vực bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng để có phương án di chuyển kịp thời.
Kiểm tra các trang thiết bị phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng tại chỗ nhằm sẵn sàng phục vụ công tác phòng và ứng phó.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị thi công trên địa bàn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống thiên tai tại công trường.
Chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi thực hiện kiểm tra hồ, đập và xử lý các khu vực trọng điểm xung yếu về hồ, đập.
Tổ chức lực lượng tuần tra, cảnh giới, cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn bị ngập úng, lũ ống, lũ quét, khu vực có nguy cơ sạt lở đất... để hướng dẫn người dân, các phương tiện qua lại đảm bảo an toàn.
Trong sáng 13/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 797/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 yêu cầu Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh không được lơ là, chủ quan, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả đợt thiên tai vừa qua, sớm ổn định lại đời sống cho người dân.
Thủ tướng chỉ đạo:
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai và các địa phương khác: i) Huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người còn đang bị mất tích, cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại, nhất là những gia đình có người bị nạn, hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, khó khăn; ii) Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, trong đó tiếp tục tổ chức rà soát, di dời, sơ tán ngay người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu; bố trí lực lượng kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; iii) Huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức dự báo, cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, không để xảy ra lũ nhân tạo, lũ quét do ảnh hưởng của hồ đập.
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ: Quốc phòng, Công an chủ động chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai./.